Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng thương mại quốc tế

Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng thương mại quốc tế là tổn thất bên bị vi phạm phải gánh chịu và khoản lợi đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Mặc dù quy định trong pháp luật của các quốc gia và các văn bản quốc tế về thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng thương mại quốc tế không hoàn toàn thống nhất với nhau ở một số yếu tố nhưng tất cả đều có điểm chung lớn khi xác định nội hàm khái niệm thiệt hại được bồi thường. Đó là: thiệt hại được bồi thường đều bao gồm tổn thất bên bị vi phạm phải gánh chịu và khoản lợi đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

1. Tổn thất bên bị vi phạm phải gánh chịu

Tổn thất bên bị vi phạm phải gánh chịu do hành vi vi phạm hợp đồng thương mại quốc tế nhìn chung bao gồm tổn thất về vật chất hoặc tổn thất về tinh thần. Tuy nhiên, vì pháp luật các nước thường không có quy định làm nội hàm rõ nội hàm thuật ngữ “tổn thất” nên việc coi tổn thất về tinh thần nằm trong phạm vi thiệt hại được bồi thường còn là đang vấn đề gây nhiều tranh cãi. Vì thế, khi nhắc đến tổn thất được bồi thường thì tổn thất vật chất luôn là yếu tố được công nhận hàng đầu.

Tổn thất vật chất là sự mất mát, hư tổn về tài sản, các chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm như bảo quản hàng hóa, khoản chênh lệch giá cả khi phải mua, bán hàng thay thế do bên kia không thực hiện nghĩa vụ của mình, tiền lãi trả chậm... Khi quy định về loại tổn thất này, ngoài việc quy định tổn thất phải là hệ quả trực tiếp của hành vi vi phạm thì Điều 1149 Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804 và Điều 302 Luật thương mại Việt Nam năm 2005 còn nhấn mạnh đến tính thực tế và trực tiếp của tổn thất. Theo đó, tổn thất phải là sự mất mát, hư tổn đã xảy ra và có thể tính toán được bằng con số cụ thể, tính toán được thành tiền mà bên bị vi phạm hợp đồng phải gánh chịu và là hệ quả trực tiếp từ hành vi vi phạm của bên kia.

Trong khi đó, tổn thất phi vật chất chính là sự mất mát về mặt tâm lý, sự tổn hại đến danh dự, uy tín và nhân phẩm... Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ (UCC) cũng quy định ngoài việc bồi thường các thiệt hại vật chất thì bên vi phạm có thể phải bồi thường cả thiệt hại tinh thần. Những thiệt hại tinh thần đó thường được các Tòa án Hoa Kỳ sử dụng cách thức “lượng hóa” thiệt hại, tức là sẽ tính chênh lệch doanh thu của bên bị vi phạm trước và sau khi xảy ra vi phạm để xem xét. Tất nhiên, việc kết luận sẽ phải phụ thuộc vào từng vụ việc cụ thể để đưa ra một con số hợp lý vì việc sự chênh lệch doanh thu của bên bị vi phạm có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, ngoài nguyên nhân từ phía bên vi phạm (1).

Tổn thất phi tiền tệ hiện nay đã được thừa nhận trong Những nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế của UNIDROIT (PICC) Những nguyên tắc luật hợp đồng châu Âu (PECL). Điều 7.4.2 PICC quy định nguyên tắc bồi thường toàn bộ, bao gồm cả tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần. Khoản 2 Điều 9:501 PECL cũng quy định bên bị vi phạm được đòi bồi thường thiệt hại cho những tổn thất phi vật chất. Trong khi đó, CISG không có quy định cụ thể về loại thiệt hại này. Mặc dù không quy định trường hợp này nhưng CISG đã có một hệ thống giải thích luật căn kẽ và các án lệ làm căn cứ để xem xét giải quyết và các học giả quốc tế cũng cho rằng các khoản bồi thường phi tiền tệ là có thể áp dụng được (2). Điều này cho thấy, các văn bản quốc tế hiện nay đều xem tổn thất về tinh thần là một yếu tố quan trọng khi xem xét thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng thương mại quốc tế. Nhận thức được xu hướng chung, pháp luật Việt Nam cũng đã có quy định về loại thiệt hại này. Tuy Điều 302 Luật thương mại 2005 không nói rõ phạm vi thiệt hại có bao gồm thiệt hại phi vật chất hay không, nhưng khi xét Điều 361 Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2015 thì có thể thấy phạm vi bồi thường thiệt hại có bao gồm những thiệt hại này:

“Điều 361. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ
1. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.
2. Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
3. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể”.


Dựa vào nguyên tắc áp dụng luật chung – luật riêng của pháp luật Việt Nam thì trường hợp này do Luật thương mại năm 2005 không có quy định cụ thể nên sẽ áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng thương mại nói chung và hợp đồng thương mại quốc tế nói riêng trong pháp luật Việt Nam sẽ bao gồm cả thiệt hại phi vật chất.

2. Khoản lợi đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm

Nếu như tổn thất vật chất do hành vi vi phạm có thể tính toán được một cách dễ dàng và chính xác thì khoản lợi đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm rất khó để xác định. Những thiệt hại này thường trừu tượng và xảy ra trong tương lai nên phải dựa trên sự suy đoán khoa học (trên cơ sở những chứng cứ, tài liệu) mới có thể xác định một cách chính xác. Và khoản lợi đáng lẽ được hưởng đó sẽ chỉ được bồi thường khi chúng được thiết lập với một mức độ hợp lý về tính xác thực (Điều 7.4.3 PICC). Tính xác thực này có thể dựa trên khả năng xuất hiện trên thực tế trong tương lai của các khoản lợi bị mất.

Pháp luật các nước và văn bản pháp luật quốc tế đều quy định về khoản lợi bị bỏ lỡ nhưng lại không quy định cách thức cụ thể để xác định khoản tổn thất này. Cho nên việc xác định khoản lợi đáng lẽ được hưởng trên thực tế luôn là vấn đề nan giải với các bên trong hợp đồng. Để được bồi thường cho các khoản lợi bị bỏ lỡ, bên bị vi phạm phải chứng minh được hành vi vi phạm của bên kia là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự mất cơ hội nhận các lợi ích trong tương lai một các trung thực, rõ ràng dựa trên căn cứ của hợp đồng, thực tế thị trường…Những khoản lãi mang tính chất suy đoán mà không được chứng minh sẽ bị từ chối bồi thường.

(1) ThS. Nguyễn Minh Phượng, “Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hoa theo Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 2005, tr. 61.
(2) Phan Thị Thanh Thủy, “So sánh các quy định về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng trong Luật thương mại Việt Nam 2005 và Công ước Viên 1980”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, số 03, 06/2014, tr. 56.

Chuyên viên Lưu Thị Phượng - Phòng cấp phép và đầu tư Công ty Luật TNHH Everest,
tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: info@luatviet.net.vn, info@everest.net.vn.