Một số lưu ý trong soạn thảo hợp đồng ngoại thương

Hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng diễn ra sôi động thì doanh nghiệp Việt Nam càng phải lưu ý tới sự chặt chẽ của kỹ thuật soạn thảo hợp đồng. Dưới đây là một số lưu ý trong quá trình soạn thảo hợp đồng ngoại thương

Cũng tương tự như các loại hợp đồng khác, hợp đồng ngoại thương được xác lập làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ thương mại quốc tế.

Bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp được thực hiện bởi: Luật gia Nguyễn Văn Hoàng – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


Khác biệt về ngôn ngữ, hệ thống pháp luật - chính trị, quan niệm, thuật ngữ pháp lý, sự thiếu am hiểu về tập quán quốc tế là những yếu tố mà doanh nghiệp Việt cần lưu ý và khắc phục trong quá trình giao kết hợp đồng ngoại thương.

Bài viết dưới đây đưa ra một số lưu ý trong quá trình soạn thảo hợp đồng để quý doanh nghiệp tham khảo.

Thứ nhất, chọn luật áp dụng

Lựa chọn luật áp dụng là lựa chọn hệ thống các quy phạm pháp luật để điều chỉnh các vấn đề trong hợp đồng và các tranh chấp trong phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Sự khác biệt về hệ thống pháp luật giữa các quốc gia khiến các bên phải cân nhắc lựa chọn nguồn luật áp dụng và ghi nhận trong các thỏa thuận hợp đồng.

Trường hợp quốc gia - nơi các bên mang quốc tịch có hiệp định song phương hoặc cùng tham gia điều ước quốc tế, các bên có thể lựa chọn viện dẫn các quy định trong các điều ước/hiệp định này để điều chỉnh quan hệ hợp đồng; hoặc lựa chọn pháp luật của một trong các hệ thống pháp luật của các quốc gia thành viên để điều chỉnh trực tiếp.

Việc lựa chọn luật nên được cân nhắc đến khả năng áp dụng trong quá trình thực hiện cũng như khả năng giải quyết tranh chấp và khả năng công nhận phán quyết của tòa án/trọng tài.

Ngày 18/12/2015 vừa qua, Việt Nam đã chính thức phê duyệt việc gia nhập Công ước Viên về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của Liên hợp quốc (“CISG”) để trở thành viên thứ 84 của Công ước này. Công ước Viên bắt đầu có hiệu lực ràng buộc tại Việt Nam từ ngày 1/1/2017. Đây là một trong những nguồn luật quan trọng và phổ biến mặc dù chỉ hạn chế trong điều chỉnh quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Thứ hai, giải quyết tranh chấp

Việc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp cũng quan trọng như chọn luật áp dụng. Chọn tòa án hay trọng tài thương mại, thương lượng hay hòa giải đều cần có sự thiện chí của các bên. Việc lựa chọn tòa án hoặc trọng tài đều có ưu và nhược điểm riêng, tùy vào sự phù hợp với hoàn cảnh và chủ thể để lựa chọn.

Khi xảy ra tranh chấp, hầu hết các hệ thống pháp luật đều ưu tiên sự thỏa thuận của các bên, vì vậy các bên nên chủ động lựa chọn

Thứ ba, điều khoản thanh toán

Mục đích trong giao kết hợp đồng của các thương nhân là mục đích lợi nhuận kinh doanh, vì vậy điều khoản thanh toán là rất quan trọng.

Sự khác biệt về tập quán thanh toán, đơn vị tiền tệ, văn hóa kinh doanh, ngôn ngữ và vị trí địa lý, hệ thống pháp luật là những yếu tố chi phối sâu sắc trong thỏa thuận nội dung của điều khoản thanh toán.

Các bên cần thỏa thuận rõ ràng về đồng tiền thanh toán, đơn vị, phương thức cũng như lộ trình và thời hạn thanh toán. Đồng thời là điều khoản chậm thanh toán sẽ bị áp dụng các chế tài như áp dụng lãi suất trả chậm hoặc phạt vi phạm.

Thứ tư, điều khoản chiết khấu

Chiết khấu thường là đề nghị từ một hoặc nhiều bên, nhằm thể hiện thiện chí hợp tác cũng như mong muốn xây dựng mối quan hệ bạn hàng lâu dài, khuyến khích các bên nghiêm túc tôn trọng các thỏa thuận.

Ví dụ, các bên có thể đề xuất nội dung chiết khấu toàn bộ hoặc một phần giá trị hợp đồng trong trường hợp bên mua thanh toán sớm, hoặc ký kết nhiều đơn hàng liên tiếp, đặt hàng định kỳ...

Nhìn chung, các hệ thống pháp luật quốc tế và cả pháp luật Việt Nam ngày càng có xu hướng mở rộng tối đa quyền tự do thỏa thuận của các bên, vì vậy doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các hệthống quy định hoàn chỉnh và chi tiết trong hợp đồng nhằm phòng ngừa rủi ro trong quá trình hợp tác quốc tế.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

1.Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

2.Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

3.Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:1900 6198, E-mail:info@everest.org.vn.