Các nguyên tắc cơ bản khi ký kết hợp đồng kinh tế trong nền kinh tế thị trường hiện nay

Khi giao kết hợp đồng với nhau, các bên cần hiểu những nguyên tắc cơ bản khi ký kết hợp đồng để thực hiện cho đúng với ý chí nguyện vọng của các bên, đảm bảo các bên đều có lợi. Vậy những nguyên tắc đó là gì? Chúng tôi xin được đưa ra quan điểm tư vấn như dưới đây...

Nguyên tắc ký kết hợp đồng kinh tế là những tư tưởng chỉ đạo có tính chất bắt buộc đối với các chủ thể khi ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế

Bài tư vấn pháp luật được thực hiện bởi: Luật gia Nguyễn Văn Hoàng – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


Nguyên tắc tự nguyện

Theo nguyên tắc này một hợp đồng kinh tế được hình thành phải hoàn toàn dựa trên cơ sở tự nguyện thoả thuận giữa các chủ thể ( tự do ý chí) không do sự áp đặt ý chí của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Mọi sự tác động làm mất tính tự nguyện của các bên trong quá trình ký kết đều làm ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng.

Quyền tự do hợp đồng bao gồm những nội dung chính sau:

(i) Tự do lựa chọn bạn hàng;

(ii) Tự do thoả thuận các điều khoản trong hợp đồng;

(iii) Tự do lựa chọn thời điểm giao kết hợp đồng.

Tuy nhiên quyền tự do ký kết hợp đồng bị giới hạn bởi các điều kiện sau: (i)Việc ký kết hợp đồng kinh tế phải phục vụ cho hoạt động kinh doanh đã đăng ký; (ii)Các bên không được lợi dụng quyền tự do ký kết hợp đồng kinh tế để hoạt động trái pháp luật.

Việc ký kết hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh là bắt buộc, tức là các đơn vị kinh tế được nhà nước giao cho chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh thì có nghĩa vụ ký kết hợp đồng kinh tế để thực hiện chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh đó.

Nguyên tắc cùng có lợi

Trong nền kinh tế thị trường mỗi bên tham gia vào quan hệ hợp đồng kinh tế đều xuất phát từ lợi ích riêng của mình. Khi ký kết hợp đồng các bên cùng nhau thoả thuận những điều khoản hợp đồng có lợi nhất cho cả hai bên, không được lừa dối chèn ép nhau

Nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ

Các bên tham gia quan hệ hợp đồng hoàn toàn bình đẳng với nhau về quyền và nghía vụ. Quyền và nghĩa vụ của mỗi chủ thể bao giờ cũng tương xứng với nhau, quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại Điều này thể hiện ở chỗ khi đàm phán để ký kết hợp đồng các bên đều có quyền đưa ra những yêu cầu của mình và đêù có quyền chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của bên kia không bên nào có quyền ép buộc bên nào. Quan hệ hợp đồng kinh tế chỉ hình thành khi các bên thống nhất ý chí với nhau về các điều khoản hợp đồng.

Khi quan hệ hợp đồng kinh tế đã hình thành, các bên đều có nghĩa vụ thực hiện đúng những điều đã cam kết trong hợp đồng. Bên nào không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng đều phải chịu trách nhiệm trước bên kia.

Nguyên tắc không trái pháp luật

Trong quan hệ hợp đồng kinh tế các bên tham gia ký kết hợp đồng kinh tế có quyền tự do thoả thuận các điều khoản của hợp đồng. Pháp luật hợp đồng kinh tế tôn trọng ý chí của các bên. Tuy nhiên ý chí của các bên chỉ được tôn trọng nếu ý chí đó phù hợp với pháp luật. Điều đó có nghĩa là các bên có quyền thoả thuận nhưng mọi thoả thuận trong hợp đồng không được vi phạm điều cấm của pháp luật mà phải phù hợp với các quy định của pháp luật.

Nguyên tắc trực tiếp chịu trách nhiệm tài sản

Khi tham gia quan hệ hợp đồng kinh tế các bên phải dùng chính tài sản của mình để đảm bảo việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế. Các bên có thể dùng tài sản của mình để cầm cố, thế chấp hoặc nhờ người khác bảo lãnh về tài sản để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng. Nguyên tắc này có ý nghĩa trong việc đảm bảo lợi ích kinh tế của các bên trong quan hệ hợp đồng.

Chủ thể của hợp đồng kinh tế

Chủ thể của hợp đồng kinh tế là các bên tham gia quan hệ hợp đồng kinh tế hoàn toàn bình đẳng, tự nguyện, thoả thuận để xác lập và thực hiện những quyền và nghĩa vụ đối với nhau.

Theo quy định của pháp lênh hợp đồng kinh tế thì ít nhất một bên chủ thể của hợp đồng kinh tế phải là pháp nhân còn bên kia có thể là pháp nhân hoặc cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật

Ngoài các chủ thể kể trên theo quy định của các điều 42, 43 pháp lệnh hợp đồng kinh tế thì việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế giữa pháp nhân với những người làm công tác khoa học kỹ thuật, nghệ nhân, hộ kinh tế gia đình, hộ nông dân, ngư dân cá thể hoặc giữa pháp nhân Việt Nam với các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam cũng được áp dụng các quy định của pháp luật hợp đồng kinh tế.

Đại diện ký kết hợp đồng kinh tế

Khi tiến hành ký kết hợp đồng kinh tế mỗi bên tham gia quan hệ hợp đồng kinh tế cử 1 đại diện để ký vào hợp đồng kinh tế

Theo pháp lệnh về hợp đồng kinh tế và nghị định 17- HĐBT qui định chi tiết thi hành pháp lệnh hợp đồng kinh tế thì người ký kết hợp đồng kinh tế phải là người đại diện hợp pháp của pháp nhân hoặc người đứng tên đăng ký kinh doanh

Đại diện hợp pháp

Đối với pháp nhân : Là người được bổ nhiệm hoặc được bầu vào chức vụ đứng đầu pháp nhân đó và đương giữ chức vụ đó. Người đứng đầu pháp nhân là đại diện đương nhiên theo pháp luật của pháp nhân;

Đối với doanh nghiệp tư nhân:Là chủ doanh nghiệp tư nhân. Trong trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân thuê người khác làm giám đốc thì giám đốc là đại diện cho doanh nghiệp theo hợp đồng trách nhiệm giữa chủ doanh nghiệp và người được thuê làm giám đốc và theo quy định của pháp luật;

Đối với cá nhân có đăng ký kinh doanh: Là người đứng tên trong giấy phép kinh doanh;

Đối với những người làm công tác khoa học, kỹ thuật, nghệ nhân: Là người trực tiếp thực hiện công việc trong hợp đồng. Nếu nhiều người cùng làm thì người ký vào bản hợp đồng phải do những người cùng làm cử bằng văn bản trong đó có tất cả chữ ký của những người đó và phải đính kèm theo hợp đồng kinh tế;

Đối với hộ gia đình nông dân, ngư dân, cá thể: Là chủ hộ;

Đối với tổ chức nước ngoài tại Việt Nam (không có tư cách pháp nhân) thì đại diện tổ chức đó phải được uỷ quyền bằng văn bản của pháp nhân thành lập ra tổ chức tại Việt Nam;

Đối với cá nhân nước ngoài ở Việt Nam : Bản thân họ là người ký kết các hợp đồng kinh tế.

Đại diện theo uỷ quyền

Theo quy định của pháp luật nếu người đại diện theo pháp luật không tham gia ký kết hợp đồng được có thể uỷ quyền cho người khác thay mình ký kết hợp đồng.

Việc uỷ quyền có thể là uỷ quyền theo vụ việc hoặc uỷ quyền thường xuyên tuy nhiên phải được thể hiện dưới hình thức bằng văn bản

Đối với doanh nghiệp có con dấu riêng thì việc uỷ quyền không phải công chứng hoặc chứng nhận của UBND cấp có thẩm quyền trừ trường hợp đặc biệt pháp luật có quy định hoặc hai bên có thoả thuận khác.
Cá nhân có đăng ký kinh doanh văn bản uỷ quyền phải có chứng thực của cơ quan công chứng nhà nước hoặc chứng nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn.
Người được uỷ quyền chỉ được phép hoạt động trong phạm vi được uỷ quyền và không được uỷ quyền lại cho người khác.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:1900 6198, E-mail:info@everest.org.vn.