Tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài

Công ty Tây Ban Nha (Nguyên đơn – Bên mua) xác lập hợp đồng với Công ty Việt Nam (Bị đơn – Bên bán) để mua cả (hợp đồng ký ngày 29/9/2010). Sau đó các bên có tranh chấp và Bị đơn cho rằng Nguyên đơn không có tư cách pháp nhân nên hợp đồng không có giá trị

Công ty Tây Ban Nha (Nguyên đơn – Bên mua) xác lập hợp đồng với Công ty Việt Nam (Bị đơn – Bên bán) để mua cả (hợp đồng ký ngày 29/9/2010). Sau đó các bên có tranh chấp và Bị đơn cho rằng Nguyên đơn không có tư cách pháp nhân nên hợp đồng không có giá trị. Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài xác định Nguyên đơn có tư cách pháp nhân

Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật nêu trên  – gọi tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198
Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật nêu trên – gọi tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Quan điểm và ý kiến cá nhân:

Phần lớn các giao dịch giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài là với doanh nghiệp nước ngoài, và đôi khi vấn đề tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài được đặt ra. Trong vụ việc trên, Bị đơn cho rằng “Nguyên đơn được cấp Giấy phép đăng ký kinh doanh tại Tây Ban Nha vào ngày 24/3/2011. Như vậy, tại thời điểm ký kết hợp đồng với Bị đơn, Nguyên đơn chưa có tư cách pháp nhân. Hợp đồng OPE 05 và OPE 06 đã bị vô hiệu về mặt hình thức và không có giá trị pháp lý thực hiện”.

Tuy nhiên, theo Hội đồng Trọng tài, “Giấy phép đăng ký kinh doanh không phải là căn cứ để xác định tư cách pháp nhân của Nguyên đơn, mà Nguyên đơn đã xuất trình trước Hội đồng Trọng tài Giấy chứng nhận thành lập và Điều lệ thành lập và hoạt động của Nguyên đơn (có chứng nhận lãnh sự của ĐSQ nước CHXHCNVN tại Vương quốc Tây Ban Nha ngày 14/12/2011) theo đó, Nguyên đơn là một pháp nhân độc lập được thành lập và hoạt động hợp pháp theo pháp luật của Tây Ban Nha vào ngày 03/10/1994. Như vậy, hợp đồng OPE05 và OPE 06 không bị vô hiệu như lập luận của Bị đơn. Trong thực tế Nguyên đơn đang hoạt động hợp pháp tại Tây Ban Nha và có quan hệ thương mại với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, kể cả Bị đơn”.

Trong pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Chẳng hạn, theo khoản 3 Điều 38 Luật Doanh nghiệp năm 2005, “Công ty trách nhiệm hữu hạn có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Quy định này được nhắc lại trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014 tại khoản 2 Điều 47 theo đó “công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.

Quy định trên được áp dụng cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng không áp dụng cho doanh nghiệp nước ngoài. Thực ra, khoản 1 Điều 765 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định “năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân đó được thành lập”. Bộ luật dân sự năm 2015 có sự thay đổi nhưng về cơ bản vẫn kế thừa quy định vừa nêu vì khoản 1 và 2 Điều 676 quy định “quốc tịch của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân thành lập. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân; tên gọi của pháp nhân; đại diện theo pháp luật của pháp nhân; việc tổ chức, tổ chức lại, giảii thể pháp nhân; quan hệ giữa pháp nhân với thành viên của pháp nhân; trách nhiệm của pháp nhân và thành viên của pháp nhân đối với các nghĩa vụ của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước mà pháp nhân có quốc tịch”.

Do đó, việc xác định doanh nghiệp có tư cách pháp nhân hay không cũng không nên được xác định theo pháp luật Việt Nam mà nên “theo pháp luật của nước nơi pháp nhân đó được thành lập”. Do đó, việc Hội đồng Trọng tài xác định “Giấy phép đăng ký kinh doanh không phải là căn cứ để xác định tư cách pháp nhân của Nguyên đơn” là thuyết phục, chúng ta không thể lấy quy định cho doanh nghiệp Việt Nam để áp đặt cho doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, khi tham gia giao dịch với đối tác nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam không nên dựa vào pháp luật Việt Nam để xem xét tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài.

Vẫn theo Hội đồng Trọng tài, Nguyên đơn có tư cách pháp nhân vì “Giấy chứng nhận thành lập và Điều lệ thành lập và hoạt động của Nguyên đơn (có Chứng nhận lãnh sự của ĐSQ nước CHSNCNVN tại Vương quốc Tây Ban Nha ngày 14/12/2011) theo đó, Nguyên đơn là một pháp nhân độc lập được thành lập và hoạt động hợp pháp theo pháp luật của Tây Ban Nha vào ngày 03/10/1994”. Điều đó có nghĩa là Hội đồng Trọng tài đã xác định tư cách pháp nhân của doanh nghiệp nước ngoài trên cơ sở Giấy tờ của doanh nghiệp nước ngoài mà cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cung cấp. Hướng xác định như vậy là thuyết phục mà doanh nghiệp nên biết khi đề cập tới tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài.

Nói tóm lại, khi xác lập giao dịch với đối tác nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam không thể xem xét tư cách pháp nhân của doanh nghiệp trên cơ sở các quy định về tư cách pháp nhân được áp dụng cho doanh nghiệp Việt Nam. Việc đánh giá tư cách pháp nhân của doanh nghiệp nước ngoài cần được tiến hành trên cơ sở pháp luật nước ngoài có liên quan.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:1900 6198,E-mail:info@everest.org.vn.