Người lao động bị tai nạn lao động được hưởng những chế độ nào?

Người sử dụng lao động sẽ cùng với tổ chức bảo hiểm chi trả những khoản chi phí trong danh mục do bảo hiểm ý tế chi trả. Và chi trả những khoản chi phí trong quá trình điều trị của người lao động bị tai nạn lao động không nằm trong danh mục bảo hiểm chi trả

Hỏi: Em bị tai nạn lao động khi đang làm việc tại Công ty. Em có đóng bảo hiểm. Khi đang làm việc tại Công ty thì em bị tai nạn lao động với mức tai nạn được bệnh viện chuẩn đoán là Đa chấn thương: Cụt hai tay, Tổn thương bụng (bị dập cơ và da bụng), rách đùi trái. Mất khả năng lao động. Em muốn anh chị tư vấn cho em biết với trường hợp của em thì được hưởng những chế độ nào của Công ty và của Bảo Hiểm xã hội? (Anh Minh - Hải Dương)
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198.
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198.

Luật gia Nguyễn Thị Nhung - Tổ tư vấn pháp luật lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:


Điều 142 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về tai nạn lao động như sau:

“1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Quy định này được áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc.
2. Người bị tai nạn lao động phải được cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo.
3. Tất cả các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các sự cố nghiêm trọng tại nơi làm việc đều phải được khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ theo quy định của Chính phủ”.

Theo như quy định này thì tai nạn lao động là các chấn thương cho các bộ phận, chức năng hoặc gây tử vong cho người lao động xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với nhiệm vụ công việc được giao. Khi xảy ra tai nạn lao động thi bắt buộc phải lập biên bản, khai báo chi tiết tai nạn đó để lấy đó làm căn cứ pháp lý giải quyết vụ việc.

Trường hợp tai nạn lao động khi đang làm việc tại công ty thì anh được hưởng những chế độ sau:

Thứ nhất, anh được người sử dụng lao động trả đủ lương theo hợp đồng lao động đã giao kết và không được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời gian anh đang điều trị và được công ty cùng với cơ quan bảo hiểm thanh toán các chi phí điều trị.

Điều 144 Bộ luật lao động năm 2012 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:

“1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.”

Theo quy định này, công ty anh sẽ cùng với tổ chức bảo hiểm chi trả những khoản chi phí trong danh mục do bảo hiểm ý tế chi trả. Và chi trả những khoản chi phí trong quá trình điều trị của anh không nằm trong danh mục bảo hiểm chi trả.

Ngoài ra, trong thời gian anh nghỉ việc để điều trị chấn thương người sử dụng lao động có trách nhiệm trả đủ lương theo hợp đồng lao động đã giao kết và không được đơn phương châm dứt hợp đồng trong thời gian bạn đang điều trị.

Do anh đã tham gia bảo hiểm nên anh được hưởng quyền lợi theo điều 145 Bộ luật lao động năm 2012: “Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội”.

Thứ hai, anh được hưởng trợ cấp hàng tháng trong quy định của chế độ tai nạn lao động

Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động như sau:

"Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này".

Và căn cứ vào giám định suy giảm khả năng lao động của anh, anh được bệnh viện chuẩn đoán là đa chấn thương: Cụt hai tay, tổn thương bụng (bị dập cơ và da bụng), rách đùi trái dẫn tới mất khả năng lao động. Vì theo giám định của bệnh viện thì anh đã bị mất khả năng lao động và được hưởng trợ cấp hàng tháng như sau:

Điều 47 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định trợ cấp hàng tháng:

“1.Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.

2. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:
a) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.”

Theo quy định trên, cần phải xác định chính xác tỷ lệ (%) suy giảm khả năng lao động để xác định chính xác mức tiền trợ cấp hàng tháng cơ quan bảo hiểm xã hội phải chi trả cho trường hợp của bạn.

Ngoài ra, nếu tai nạn xảy ra do lỗi của anh thì áp dụng quy định tại khoản 4 điều 145 Bộ luật Lao động năm 2012: “ Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này”.

Nếu trong biên bản ghi nhận tai nạn xảy ra không phải do lỗi của anh thì áp dụng khoản 3 điều 145 Bộ luật Lao động năm 2012 :

“Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.”

Do anh không đề cập chi tiết tới nội dung biên bản khi xảy ra tai nạn lao động, nên chúng tôi không xác định được việc xảy ra tai nạn lao động là do lỗi của anh hay lỗi về phía người sử dụng lao động.

Như vậy, trường hợp tai nạn lao động của anh thì anh sẽ được hưởng quyền lợi sau: được công ty cùng với tổ chức bảo hiểm xã hội chi trả các khoản điều trị do tai nạn lao động; trong thời gian điều trị đó công ty vẫn phải trả lương đầy đủ theo tháng cho anh; anh sẽ được tổ chức bảo hiểm trợ cấp hàng tháng với mức hỗ trợ cụ tính theo mức suy giảm sức lao động và mức lương hàng tháng của anh trước đó.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.