Loại hình doanh nghiệp nào được mở chi nhánh?

Đối chiếu với những đặc điểm của mỗi loại hình doanh nghiệp và tình hình thực tế của mình mà các cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với mô hình kinh doanh dự kiến.

Hỏi: Tôi hiện đang kinh doanh thời trang trẻ em (mua buôn rồi bán lẻ - ko có hoá đơn chứng từ gì). Hiện tôi phát triển ra nhiều cửa hàng thì có cách nào để đăng ký kinh doanh theo dạng doanh nghiệp, để tiện việc mở chi nhánh hay không hoặc tôi có thể làm đăng ký kinh doanh hộ cá thể cho từng điểm không? (Nguyễn Sơn - Hà Nội)
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Bùi Ánh Vân - Tổ tư vấn pháp luật doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

1. Trường hợp anh/ chị đăng ký thành lập doanh nghiệp

Theo quy định của pháp luật hiện hành, công dân có quyền tự do thành lập doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh không trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiêu, bạn cũng cần lưu ý rằng, do tính chất của hoạt động thành lập, quản lý doanh nghiệp có thể đem lại lợi ích kinh tế rất lớn cho công dân cũng như có ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của những chủ thể khác trong xã hội nên pháp luật đưa ra một số hạn chế về thành lập, quản lý doanh nghiệp với công dân. Cụ thể, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam bao gồm:

+ Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con của cán bộ, công chức, viên chức là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được kinh doanh trong phạm vi do người thân của họ quản lý trực tiếp.

+ Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

+ Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

+ Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự: công dân phải từ đuổi 18 tuổi trở lên, không mắc các bệnh về thần kinh dẫn đến mất hoặc làm suy giảm khả năng nhận thức va điều khiển hành vi.

+ Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

Nếu bạn không thuộc một trong các trường hơp nêu trên thì bạn có quyền thanh lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành. Theo quy định của pháp luật hiện hành, có bốn loại hình doanh nghiệp khác nhau và mỗi loại hình doanh nghiệp lại có những đặc trưng riêng:

+ Doanh nghiệp tư nhân: là loại hình doanh nghiệp mà chỉ có một nhà đầu tư duy nhất, cũng đồng thời là chủ sở hữu của doanh nghiệp. Nếu bạn lựa chọn hình thức doanh nghiệp này, bạn sẽ là chủ sở hữu của công ty, có toàn quyền quyết định trong việc tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh. Theo đó, toàn bộ lợi nhuận thuộc về bạn nhưng bạn phải chịu trách nhiệm đối với những nghĩa vụ tài chính của công ty bằng toàn bộ tài sản của mình.

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn là công ty mà nếu bạn là thành viên thì bạn chỉ phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty trong phạm vi phần vốn đã góp hoặc cam kết góp (tại thời điểm thành lập doanh nghiệp). Công ty Trách nhiệm hữu hạn được chia làm hai loại dựa trên số thành viên bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (tổng số thành viên không quá 50). Hội đồng thành viên bao gồm các thành viên góp vốn là cơ quan có quyền cao nhất trong việc quyết định các vấn đề trong hoạt động kinh doanh của công ty.Nếu thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, bạn sẽ có toàn quyền quyết định các vấn đề của công ty như ở doanh nghiệp tư nhân nhưng lại chỉ phải chịu trách nhiệm tài chính tương ứng với phần vốn góp.

+ Công ty hợp danh bản chất là việc hai hay nhiều cá nhân cùng kinh doanh dưới một tên chung, công ty hợp danh phải có tối thiểu hai thành viên hợp danh và có thể có thêm các thành viên góp vốn. Trong đó, thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty bằng toàn bộ tài sản của mình còn thành viên góp vốn chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp. Giống như công ty trách nhiệm hữu hạn, hội đồng thành viên (bao gồm thành viên hợp danh và thành viên góp vốn) là cơ quan có quyền quyết định cao nhất đối với các hoạt động kinh doanh của công ty.

+ Công ty cổ phần: đặc trưng của công ty là phải có từ 03 thành viên sáng lập công ty, vốn điều lệ của công ty được chia thành các phần với mệnh giá bằng nhau và quyền của cổ đông tương đương với số cổ phần và loại cổ phần họ nắm giữ. Việc tổ chức và quản lý công ty do Hội Đồng quản trị- tổ chức do Hội đồng cổ đông bàu ra- thực hiện. Với tư cách là một cổ đông công ty, bạn chỉ phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty tương ứng với giá trị số cổ phần bạn sở hữu.

Đối chiếu với những đặc điểm của mỗi loại hình doanh nghiệp và tình hình thực tế mà bạn có thể lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với mô hình kinh doanh của bạn. Về thủ tục, các loại doanh nghiệp khác nhau tương ứng với trình tự thủ tục khác nhau cần tiến hành để thành lập doanh nghiệp:

+ Đối với Doanh nghiệp tư nhân:
Hồ sơ bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Bản sao Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của chủ doanh nghiệp tư nhân.

Đối với công ty hợp danh, công dân cần chuẩn bị hồ sơ thành lập bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách thành viên.
- Bản sao Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên hợp danh của công ty.

+ Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, hồ sơ thành lập cần chuẩn bị bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách thành viên ( trường hợp thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên)
- Bản sao các giấy tờ sau đây:
* Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân;
* Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
* Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.
+ Đối với công ty cổ phần, công dân cần chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp như sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.
- Bản sao các giấy tờ sau đây:
* Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân;
* Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.

Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
* Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.
Mỗi loại hình doanh nghiệp có những ưu và khuyết điểm riêng, bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế và nhu cầu của việc kinh doanh để lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp.
Sau khi thành lập doanh nghiệp, tùy vào từng điều kiện cụ thể, bạn có thể thành lập chi nhánh của doanh nghiệp, theo quy định của Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2014 thì doanh nghiệp có quyền thành lập chi nhánh của mình trong và ngoài nước.

2. Trường hợp nếu bạn đăng ký thành lập hộ kinh doanh

Trong trường hợp anh/chị lựa chọn đăng ký theo loại hình hộ kinh doanh thì theo Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, anh/chị chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm cố định.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@everest.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.