Giữa doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh, lựa chọn loại hình nào?

Hiện nay, một cá nhân muốn thành lập công ty có nhiều sự lựa chọn về loại hình doanh nghiệp được thành lập, trong đó có Hộ kinh doanh và Doanh nghiệp tư nhân

Một cá nhân đăng ký kinh doanh có nhiều sự lựa chọn về loại hình doanh nghiệp được thành lập. Trong đó là 02 loại hình đơn vị kinh doanh có quy mô và tính chất gần như tương đương nhau, là doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và hộ kinh doanh (HKD) với những cơ cấu tổ chức quản lý khác nhau khiến nhiều người băn khoăn về việc nên lựa chọn hình thức nào. Bài viết lưu ý một số điểm khác biệt giữa hai loại hình để quý khách hàng có thể tham khảo trước khi đăng ký, lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp.

Bài tư vấn pháp luật được thực hiện bởi: Luật gia Nguyễn Văn Hoàng – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Các khái niệm

a, Doanh nghiệp tư nhân

Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 nêu khái niệm về doanh nghiệp tư nhân là “doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mìnhvềmọi hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoánnào. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần".

b, Hộ kinh doanh

Điều 66 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 hướng dẫn về thủ tục đăng ký kinh doanh của Luật doanh nghiệp 2014 quy định khái niệm Hộ kinh doanh theo Luật doanh nghiệp 2014 như sau “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng kýkinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

Thêm một số điểm cần lưu ý về hộ kinh doanh:

- Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

- Hộ kinh doanh có sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định.

Tiếp theo, chúng ta cần phân tích đối chiếu những ưu, nhược điểm của 2 loại hình doanh nghiệp này, từ đó hiểu rõ hơn về chúng để khách hàng có thể đưa ra quyết định phù hợp.

Những ưu, nhược điểm của hai loại hình doanh nghiệp

a) Doanh nghiệp tư nhân :

- Ưu điểm:
Thứ 1, xét về chế độ sở hữu và chịu trách nhiệm: DNTN do 1 người làm chủ nên chủ DNTN hoàn toàn chủ động trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Thứ 2, xét về cách quản lý: Vì DNTN do 1 người làm chủ, số lượng thành viên không giới hạn nên có thể nói mô hình quản lý đơn giản.

Thứ 3, xét về quy mô công ty thì DNTN có quy mô tổ chức, hoạt động gọn nhẹ, chế độ chứng từ sổ sách kế toán đơn giản, phù hợp với cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ.

- Nhược điểm:

Thứ 1, DNTN không có sự tách bạch về tài sản giữa chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp dẫn đến khi có rủi ro xảy ra, chủ DNTN sẽ phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình và của cả DNTN chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi số vốn góp vào doanh nghiệp như ở loại hình công ty Trách nhiệm hữu hạn hoặc Công ty cổ phần.

Thứ 2, DNTN không có tư cách pháp nhân. Đây cũng là một nhược điểm lớn trên thực tế, bởi lẽ không phải ngẫu nhiên mà pháp luật lại trao tư cách pháp nhân cho một tổ chức để hoạt động trên thực tế. Tư cách pháp nhân sẽ giúp cho doanh nghiệp tạo lòng tin trước khách hàng khi giao dịch bởi nó có sự tách bạch về tài sản của chủ sở hữu/thành viên góp vốn/cổ đông và tài sản của công ty cũng như khả năng chịu trách nhiệm cao hơn khi có rủi ro xảy ra.

Thứ 3, về cách thức huy động vốn: Nếu như công ty Cổ phần có quyền phát hành cả cổ phiếu và trái phiếu, công ty TNHH có quyền phát hành trái phiếu để huy động vốn (đây là lợi thế của hai loại hình này) thì DNTN lại không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Do vậy nó bị hạn chế khả năng huy động vốn nếu công ty muốn nâng vốn để phát triển hơn.

b, Về Hộ kinh doanh:

- Ưu điểm:

Thứ 1, Hộ kinh doanh không cần làm thủ tục đăng ký kinh doanh như doanh nghiệp; chỉ trong một số trường hợp nhất định thì hộ kinh doanh mới cần đăng kí kinh doanh ở cơ quan cấp huyện.

Thứ 2, loại hình này phù hợp với quy mô kinh doanh không lớn, chỉ buôn bán tại gia đình, việc hạch toán sổ sách kế toán đơn giản hơn loại hình doanh nghiệp.

- Nhược điểm:

Thứ 1, Hộ kinh doanh bị giới hạn số lượng công nhân không được quá 10 người.

Thứ 2, Chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình. Đây cũng là một nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân như đã nêu ở trên.

Thứ 3, trong hoạt động bán hàng, hộ kinh doanh không có hóa đơn giá trị gia tăng (hóa đơn đỏ) như doanh nghiệp tư nhân nói riêng và các loại hình doanh nghiệp khác nói riêng. Nhưng hoạt động bán hàng thực tế thì 100% khách hàng đều muốn nhận được hóa đơn đỏ để khấu trừ thuế GTGT, do vậy không phát hành hóa đơn đỏ có thể khiến hộ kinh doanh mất khách hàng.

Như vậy, theo những phân tích trên đây của chúng tôi, tùy thuộc vào quy mô và nhu cầu kinh doanh của mỗi người mà anh/chị có thể lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp với mong muốn của mình. Nếu anh/chị có nhu cầu phát triển và mở rộng mô hình kinh doanh sau này thì thành lập công ty là một lựa chọn tốt nhất. Do vậy việc thành lập công ty sẽ tạo điều kiện cho anh trong quá trình kinh doanh. Tuy nhiên nếu quy mô kinh doanh của anh không lớn, chỉ buôn bán tại gia đình thì mô hình hộ kinh doanh cá thể lại là mô hình phù hợp bởi quy mô nhỏ gọn nên chế độ chứng từ sổ sách kế toán đơn giản hơn.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:1900 6198, E-mail:info@everest.org.vn.