Phân loại hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành

Trong cuộc sống, nhằm đáp ứng các nhu cầu của bản thân, chúng ta phải xác lập, thực hiện rất nhiều các hợp đồng dân sự khác nhau.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chúng ta nên có những kiến thức cơ bản về các loại hợp đồng. Việc phân loại các loại hợp đồng giúp chúng ta tư duy nhanh, xác định quyền, nghĩa vụ cơ bản của mình trong hợp đồng, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn.

Bài viết được thực hiện bởi: Chuyên viên Nguyễn Tiến Dũng – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Bài viết được thực hiện bởi: Chuyên viên Nguyễn Tiến Dũng – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

- Hợp đồng dân sự gồm những loại nào?


Căn cứ quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015, hợp đồng dân sự có thể được chia ra thành sáu loại hợp đồng chủ yếu, thông dụng là hợp đồng song vụ, hợp đồng đơn vụ, hợp đồng chính, hợp đồng phụ, hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba và hợp đồng có điều kiện.

Thứ nhất, hợp đồng chính và hợp đồng phụ:

Dựa vào sự phụ thuộc lẫn nhau về hiệu lực pháp luật, hợp đồng dân sự được phân thành hai loại: hợp đồng chính và hợp đồng phụ.

Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ. Theo đó, hợp đồng chính khi đã tuân thủ đầy đủ các điều kiện mà pháp luật đã quy định, thì đương nhiên phát sinh hiệu lực và có hiệu lực bắt buộc đối với các bên từ thời điểm giao kết.

Ngược lại, hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính. Có thể nói rằng, trong nhiều trường hợp, dù đã tuân thủ đầy đủ các điều kiện có hiệu lực đối với hợp đồng thông thường, hợp đồng phụ vẫn bị chấm dứt nếu hợp đồng chính bị coi là không có hiệu lực. Ví dụ: Hợp đồng thế chấp không có hiệu lực khi hợp đồng cho vay không có hiệu lực

Thứ hai, hợp đồng đơn vụ và hợp đồng song vụ:

Dựa vào mối liên hệ về quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các bên, hợp đồng dân sự được phân thành hợp đồng đơn vụ và hợp đồng song vụ.

Hợp đồng song vụ được luật quy định là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau. Nói cách khác, mỗi bên chủ thể của hợp đồng song vụ là người vừa có quyền lại vừa có nghĩa vụ dân sự. Trong đó, quyền của bên này đối lập tương ứng với nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Ví dụ: hợp đồng mua bán tài sản.

Trong khi đó, hợp đồng đơn vụ là những hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có một hay nhiều chủ thể có nghĩa vụ mà không có quyền gì đối với chủ thể kia, còn một hay nhiều chủ thể kia là người có quyền nhưng không phải thực hiện nghĩa vụ nào. Đối với loại hợp đồng này, hợp đồng tặng cho tài sản không có điều kiện là một trường hợp điển hình.

Thứ ba, hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba:

Đây là loại hợp đồng đặc biệt mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó. Như vậy, ngoài hai bên tham gia quan hệ hợp đồng thì còn xuất hiện thêm mối quan hệ pháp lý với người thứ ba. Trong thực tế, người thứ ba này thường không trực tiếp tham gia vào hợp đồng với tư cách chủ thể nhưng vẫn có quyền đối với bên có nghĩa vụ. Bởi vì các bên tham gia đã thỏa thuận bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ với người thứ ba. Việc thoả thuận này có thể trực tiếp hoặc được coi là mặc nhiên do tính chất của hợp đồng quy định, ví dụ như: hợp đồng chuyển phát bưu phẩm qua bưu điện.

Thứ tư, hợp đồng có điều kiện:

Hợp đồng có điều kiện được hiểu là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định. Một sự kiện được coi là căn cứ bắt buộc hợp pháp để hợp đồng được thực hiện hay chấm dứt khi đáp ứng yêu cầu sau:

Một là, sự kiện thỏa thuận phải phù hợp với quy định của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.

Hai là, sự kiện phải mang tính khách quan, xuất hiện trong tương lai sau khi hợp đồng được giao kết. Việc xuất hiện sự kiện hay không hoàn toàn nằm ngoài ý chí chủ quan của các chủ thể tham gia hợp đồng.

Ba là, trong trường hợp điều kiện là một công việc phải thực hiện thì đó phải là những công việc có thể thực hiện được.

- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:1900 6198, E-mail:info@everest.org.vn.