Thu hồi đất cho Dự án Deep C III (Cát Hải): Vì sao 'người cày không ruộng'?

Công ty Luật TNHH Everest hỗ trợ pháp lý cho một số hộ dân tại huyện Cát Hải (Hải Phòng) yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải thực hiện bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất nông nghiệp cho Dự án khu công nghiệp Deep C minh bạch, công bằng, đúng pháp luật.

Dù liên tục sử dụng đất nuôi trồng thủy sản trong suốt hơn 40 năm (từ 1986 đến 2018), nhưng nhiều hộ dân tại Cát Hải không được Nhà nước giao đất theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 1993, Nghị định số 64-CP (ngày 27/09/1993) của Chính phủ và Quyết định số 03/QĐ-UB-UB (ngày 04/01/1994) của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòngng. Đây là căn nguyên dẫn tới đặc thù của huyện Cát Hải: 'người cày không ruộng'.
Những 'nông dân không đất' tại Cát Hải phản ánh sự việc với Đài truyền hình Việt Nam (VTV)
Những 'nông dân không đất' tại Cát Hải phản ánh sự việc với Đài truyền hình Việt Nam (VTV)
Chính quyền 'phát canh thu tô'?
Cụ thể là, vào 1991, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải căn cứ Điều 29, 30 Luật Đất đai năm 1987, giao một số lượng lớn đất mặt hồ, đầm cho các hộ gia đình, cá nhân để nuôi trồng hải sản, theo hình thức các hộ gia đình, cá nhân này ký hợp đồng thuê khoán với Ủy ban nhân dân cấp xã, hợp đồng có thời hạn 05 năm/lần. Trong khi hầu hết các hộ gia đình, cá nhân này đều chưa được Nhà nước giao đất nông nghiệp để sử dụng ổn định, lâu dài làm kinh tế gia đình hoặc đất sản xuất của nông dân cá thể.

Khi xem xét kỹ những quy định của pháp luật đất đai thời kỳ này, cụ thể là Luật Đất đai năm 1987, thì thấy:

Điều 1:"... Nhà nước giao đất cho các nông trường, lâm trường, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, xí nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân - dưới đây gọi là người sử dụng đất - để sử dụng ổn định, lâu dài".

Điều 5:"Nghiêm cấm việc mua, bán, lấn, chiếm đất đai, phát canh thu tô dưới mọi hình thức, nhận đất được giao mà không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, tự tiện sử dụng đất nông nghiệp, đất có rừng vào mục đích khác, làm huỷ hoại đất đai".

Điều 27, Khoản 1:“Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp được giao lại cho các hộ thành viên của mình một diện tích đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp trong số đất được Nhà nước giao sử dụng ổn định, lâu dài để các hộ này làm kinh tế gia đình”;

Điều 28:“Đất sản xuất của nông dân cá thể quy định như sau: Các hộ nông dân cá thể được Nhà nước giao đất ổn định, lâu dài để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp trên cơ sở đất đai đang sử dụng. Căn cứ vào khả năng đất đai, kế hoạch sử dụng đất của địa phương và khả năng sử dụng đất của từng loại hộ, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính tương đương quy định mức đất giao cho các loại hộ nông dân cá thể ở địa phương trên cơ sở bình quân đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp tính theo nhân khẩu ở mỗi xã";

Điều 29: “1- Ở những nơi còn đất chưa sử dụng thì Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thể giao loại đất này cho các tổ chức hoặc các hộ thành viên của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, ngư nghiệp, nghề muối, nông trường, lâm trường, trạm, trại nông nghiệp, lâm nghiệp, công nhân, viên chức và nhân dân để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. 2- Đối với đất trống, đồi núi trọc, rừng nghèo kiệt thì được giao theo chính sách giao đất, giao rừng để trồng trọt và chăn nuôi; đất giao cho mỗi tổ chức và cá nhân là căn cứ vào khả năng sử dụng, không hạn chế về diện tích… 4- Đất được giao nói trong Điều này không tính vào mức đất làm kinh tế gia đình hoặc mức đất giao cho nông dân cá thể quy định tại Điều 27 và Điều 28 của Luật này”;

Điều 30:“Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức và cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vốn để sử dụng đất đai vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp ở các vùng còn nhiều đất chưa sử dụng hoặc hiệu quả sử dụng đất còn thấp...”.

Có thể thấy, các quy định này đều quy định rất rõ, đất giao theo quy định tại Điều 29, Điều 30 của Luật Đất đai năm 1987 phải là "đất chưa sử dụng hoặc hiệu quả sử dụng đất còn thấp“ và đất được giao nói trong Điều 29, Điều 30 không tính vào mức đấtlàm kinh tế gia đình hoặc mức đất giao cho nông dân cá thể quy định tại Điều 27 và Điều 28 của Luật Đất đai năm 1987.

Như vậy, việc Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải căn cứ Điều 29, 30 Luật Đất đai năm 1987, giao một số lượng lớn đất mặt hồ, đầm cho các hộ gia đình, cá nhân để nuôi trồng hải sản, theo hình thức các hộ gia đình, cá nhân này ký hợp đồng thuê khoán với Ủy ban nhân dân cấp xã, hợp đồng có thời hạn 05 năm/lần là một hình thức 'phát canh, thu tô' bị nghiêm cấm theo quy định của Luật đất đai năm 1987.

Không chấp nhận 'sửa sai'

Ngày 15/10/1993, Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định số 64-CP (ngày 27/09/1993 về việc ban hành bản quy định về việc “giao nhất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp”) có hiệu lực thi hành.

Các văn bản pháp luật này quy định rõ: nhằm bảo đảm cho người làm nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản có đất sản xuất, Nhà nước giao hết đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp, trừ đất giao cho các tổ chức, đất dùng cho nhu cầu công ích của xã (không quá 5% quỹ đất nông nghiệp).

Cụ thể, Nghị định số 64-CP quy định: “Hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Toàn bộ đất nông nghiệp đang được sử dụng thì giao hết cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp, trừ đất giao cho các tổ chức, đất dùng cho nhu cầu công ích của xã theo Quy định này”(Điều 1);“Việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo những nguyên tắc sau đây: 1- Trên cơ sở hiện trạng, bảo đảm đoàn kết, ổn định nông thôn, thúc đẩy sản xuất phát triển; thực hiện chính sách bảo đảm cho người làm nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản có đất sản xuất; … 3- Đất giao cho hộ gia đình, cá nhân theo Quy định này là giao chính thức và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài” (Điều 3).

Như vậy, tinh thần của Nghị định 64-CP (nêu trên) đã rõ: (1) Nhà nước giao toàn bộ đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp; (2) Uỷ ban nhân dân xã chỉ được giữ lại không quá 5% đất nông nghiệp dành cho nhu cầu công ích của xã sau khi đã hoàn thành giao đất nông nghiệp (95%) cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp.
Ngày 04/01/1994, để triển khai Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định số 64-CP, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Quyết định số 03/QĐ-UB-UB về việc giao đất cho hộ gia đình, cá nhân, theo đó phải"toàn bộ đất nông nghiệp đang được sử dụng thì giao hết cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp". Tuy nhiên, trong thực tế tại thời điểm giao đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải chỉ tiến hành giao đất làm muối cho các hộ gia đình, cá nhân các xã khu vực Cát Hải và giao đất trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm cho các hộ gia đình, cá nhân các xã khu vực Cát Bà; không giao đất nuôi trồng thủy sản (một loại đất nông nghiệp). Ủy ban nhân dân thị trấn Cát Hải do đó vẫn tiếp tục duy trì các hợp đồng thuê khoán đối với các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đầm, hồ để nuôi trồng thủy sản.

Việc Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải không thực hiện giao đất cho các hộ gia đình cá nhân làm nông nghiệp (thực tế các hộ gia đình cá nhân vẫn sử dụng) là trái với quy định của pháp luật đất đai.Mấu chốt vấn đề ở đây: đã có nhiều sai phạm trong quản lý đất đai của chính quyền Cát Hải các thời kỳ trước (năm 1991-1995). Thế nhưng, những sai phạm này không được chính quyền Cát Hải nhiệm kỳ kế tiếp điều chỉnh.Hậu quả, các thửa đất bị Nhà nước thu hồi thực hiện Dự án KCN Deep C III đã bị xác định sai nguồn gốc, người bị thiệt hại đương nhiên lại là những người nông dân.

Cho tới năm 2016, khi Nhà nước triển khai Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng do Công ty cổ phần Khu công nghiệp Đình Vũ làm chủ đầu tư, thì mâu thuẫn xảy ra. Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải xác định đất nuôi trồng thủy sản mà các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng thuộc đối tượng bị thu hồi là“đất thuê của Nhà nước”(hợp đồng thuê khoán ký 05 năm/lần) dẫn tới người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp chỉ được bồi thường 20% giá đất (9.600 đồng/m2), trong khi đó nếu theo đúng quy định, họ được bồi thường về đất và hỗ trợ việc làm, số tiền lên tới 288.000 đồng/m2đất. Hiện tại, đất tại Khu công nghiệp Deep C Hải Phòng đang được một số tổ chức, cá nhân công khai rao “bán” mức 5.000.000 đồng/m2, làm người dân càng bức xúc hơn.

Ngày 27/03/2019, tại Hải Phòng, ba công dân (ông Nguyễn Đức Khoát, ông Nguyễn Văn Nhuần, bà Ninh Thị Khanh) đã đăng ký tổ chức họp báo tại Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hải Phòng, công khai những tài liệu, căn cứ mà hơn một năm nay họ sử dụng để kiến nghị, khiếu nại, khởi kiện Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải: thu hồi đất là đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình họ, nhưng xác định sai đối tượng bồi thường; bồi thường thấp hơn giá nhà nước nhiều lần; quy trình, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ đối với người bị thu hồi đất còn rất nhiều 'điểm mờ', thiếu minh bạch.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:1900 6198, E-mail:info@everest.org.vn.