Phân biệt hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại

Hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại là hai loại hợp đồng phổ biến hiện nay. Việc xác định được đâu là hợp đồng thương mại, đâu là hợp đồng dân sự, sẽ lựa chọn được đúng các quy định pháp luật áp dụng, quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng.

Chủ thể, mục đích giao kết hợp đồng sẽ quyết định một hợp đồng là hợp đồng dân sự hay hợp đồng thương mại.


Bài viết được thực hiện bởi Luật gia Nguyễn Đức Anh – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Những điểm giống nhau giữahợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại

Về nội dung:

Về bản chất, đây đều là những giao dịch dân sự, được thiết lập dựa trên sự tự nguyện, bình đẳng, tự do thỏa thuận giữa các bên;

Mục đích giao kết hợp đồng: hướng tới lợi ích riêng và lợi ích chung của các bên tham gia giao kết hợp đồng;

Trong hai loại hợp đồng này có một số điều khoản cơ bản như: điều khoản định nghĩa, nội dung hợp đồng, đối tượng của hợp đồng, giá cả, quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên, thời gian, địa điểm, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán, điều khoản giải quyết tranh chấp, bất khả kháng, điều khoản bồi thường, phạt vi phạm hợp đồng, điều khoản cam kết...

Về hình thức:

Hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại có thể giao kết bằng miệng (dựa trên sự tin tưởng và mối quan hệ giữa các bên, giá trị của hợp đồng, mức độ đơn giản của giao dịch) hoặc bằng văn bản (được thực hiện chủ yếu ở những giao dịch phức tạp, đối tượng của hợp đồng có giá trị lớn hoặc do pháp luật quy định phải thực hiện bằng văn bản). Trong một số trường hợp, pháp luật yêu cầu hợp đồng phải được lập thành văn bản, phải được công chứng, chứng thực.

Một số loại văn bản cũng được coi là hợp đồng nếu hai bên giao kết gián tiếp bằng các tài liệu giao dịch như: Công văn, điện báo, đơn chào hàng, đơn đặt hàng và được sự đồng ý của bên kia với nội dung phản ảnh đầy đủ các nội dung chủ yếu cần có và không trái pháp luật thì được coi là hợp lệ.

Hợp đồng cũng có thể được giao kết bằng hành vi pháp lý cụ thể: thường xảy ra đối với các bên có mối quan hệ lâu dài, có sự tin cậy và việc giao kết hợp đồng trở thành thông lệ mà các bên mặc nhiên chấp nhận.

Những điểm khác nhau giữahợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại

Về chủ thể giao kết hợp đồng:

Đối với hợp đồng dân sự: Chủ thể là các cá nhân, tổ chức (có thể có hoặc không có tư cách pháp nhân). Trong khi đó, đối với hợp đồng thương mại, chủ thể phải là cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh (thương nhân), người ký kết hợp đồng phải là người có thẩm quyền mặc nhiên hoặc người được ủy quyền ký kết, nếu không đảm bảo yếu tố này, hợp đồng có thể bị vô hiệu do chủ thể ký kết không đủ thẩm quyền.

Về mục đích của hợp đồng:

Hợp đồng dân sự nhằm mục đích tiêu dùng;
Hợp đồng thương mại được giao kết nhằm mục đích chính là lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh thương mại.
Việc xác định một hợp đồng có hay không mục đích kinh doanh thương mại có ý nghĩa đối với việc xác định văn bản pháp luật áp dụng điều chỉnh cho phù hợp. Hợp đồng dân sự sẽ ưu tiên áp dụng BLDS, còn hợp đồng thương mại sẽ ưu tiên áp dụng Luật thương mại hoặc các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan đến việc kinh doanh - thương mại.

Về nội dung của hợp đồng:

Hợp đồng dân sự thường đơn giản và không bao gồm nhiều điều khoản thỏa thuận như hợp đồng thương mại. Một số nội dung thường xuất hiện trong hợp đồng thương mại như: điều khoản giao nhận hàng, điều khoản bảo hiểm hàng hóa, điều khoản trọng tài...

Về cơ quan giải quyết tranh chấp:

Tranh chấp thương mại có thể được giải quyết tại trọng tài thương mại hoặc cơ quan tòa án phụ thuộc lựa chọn của các bên, trong khi đó, hợp đồng dân sự chỉ có thể được giải quyết tại tòa án.

Doanh nghiệp thường sử dụng các hợp đồng dân sự như: hợp đồng thuê trụ sở, hợp đồng thuê kho bãi, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng mua trang thiết bị sử dụng nội bộ doanh nghiệp, hợp đồng xây dựng, sửa chữa.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:1900 6198, E-mail:info@everest.org.vn.