Nhà đầu tư bao gồm những đối tượng nào?

Nhà đầu tư bao gồm ba nhóm: nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Từ Luật Đầu tư năm 2005 đến Luật Đầu tư hiện hành (2014) quy chế pháp lý về nhà đầu tư được quy định thống nhất trong một văn bản pháp luật và cả hai đạo luật này đều chung một quan điểm về nhà đầu tư. Theo Luật Đầu tư năm 2014, nhà đầu tư là cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tếvốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thay vì liệt kê các chủ thể được coi là nhà đầu tư như Luật Đầu tư năm 2005, Luật Đầu tư năm 2014 đã khái quát hóa nhà đầu tư thành các nhóm cụ thể. Theo đó, nhà đầu tư bao gồm ba nhóm: (i) nhà đầu tư trong nước, (ii) nhà đầu tư nước ngoài, (iii) tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Bài tư vấn pháp luật được thực hiện bởi: Luật gia Nguyễn Văn Hoàng – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


(i) Nhà đầu tư trong nước
Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tố chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Tổ chức kinh tế bao gồm các loại hình doanh nghiệp theo pháp luật doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo Luật hợp tác xã, hộ kinh doanh.

(ii) Nhà đầu tư nước ngoài
Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

(iii) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Theo đó, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thể được thành lập ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài nhưng phải có ít nhất một thành viên (cổ đông) là nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư hiện hành còn phân loại tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo tiêu chí tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài bao gồm tổ chức kinh tế có vốn đầu tư ước ngoài được hưởng quy chế pháp lý như nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng quy chế pháp lý như nhà đầu tư trong nước.

Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vổn góp của tổ chức kinh tế - đầu tư theo hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Trường hợp 1: Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
- Trường hợp 2: Có tổ chức kinh tế ở trường hợp trên nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên
- Trường hợp 3: Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại trường hợp (i) nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.

Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc các trường hợp trên thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

Khi xem xét tư cách chủ thể của Luật Đầu tư, cần phân biệt khái tiệm “nhà đầu tư” và khái niệm “thương nhân”. Trong pháp Luật Thương mại, thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại thường xuyên, độc lập và có đăng ký kinh doanh. Như vậy, một số chủ thể (chẳng hạn như cá nhân, tổ chức kinh tế không có đăng ký kinh doanh nhưng thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh) được coi là nhà đầu tư nhưng không là thương nhân. Với quy định trên, khái niệm “nhà đầu tư” có nội hàm hẹp hơn khái niệm “thương nhân”. Qua đó, Luật Đầu tư năm 2014 đã cố gắng đảm bảo tối đa quyền tự do kinh doanh của cá nhân, tổ chức đồng thời thể hiện quan điểm đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế, tôn trọng các cam kết tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư.

Ngoài ra, việc phân loại nhà đầu tư thành ba nhóm rõ ràng còn nhằm mục đích phục vụ cho việc áp dụng thủ tục đầu tư. Nhóm nhà đầu tư trong nước khi tiến hành hoạt động đầu tư không phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Nhóm nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong mọi trường hợp. Đối với nhà đầu tư là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ căn cứ vào tỷ lệ sở hữu vổn của nhà đầu tư nước ngoài trong đó để xem xét có cần thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hay không.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:1900 6198, E-mail:info@everest.org.vn.