Ngoại tình và những vấn đề pháp lý

Ngoại tình bấy lâu nay vẫn luôn là hiện tượng không hiếm gặp trong xã hội và là nguyên nhân dẫn đến nỗi đau của nhiều gia đình. Tuy vậy, chọn cách nhờ luật sư tư vấn để giải quyết ngoại tình là phương án ít người tìm đến.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Vậy ngoại tình là gì ?
Theo định nghĩa phổ thông của người Việt Nam, ngoại tình là việc người đã có gia đình mà lại có quan hệ tình cảm với người khác, hoặc ngược lại, là người dù biết người khác đã có gia đình và vẫn có quan hệ tình cảm, để thỏa mãn nhu cầu sinh lý hoặc nhu cầu cá nhân.
Tuy vậy, có thể hiểu theo quy định của pháp luật thì “ngoại tình” là hành vi của một người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

Xử phạt ngoại tình theo quy định của pháp luật
Theo quy định tại Điểm a,b,c Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP thì:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

Thẩm quyền xử phạt theo quy định thuộc về Chủ tịch UBND cấp xã.
Ở mức nhẹ nhất, việc ngoại tình sẽ bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đến 3.000.000 VNĐ. Chính vì đây là hành vị bị xử phạt vi phạm hành chính, nên người có vợ/chồng ngoại tình hoặc người có liên quan có thể nộp Đơn đề nghị lên Chủ tịch UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) nơi có hành vi vi phạm (Ví dụ: nơi người ngoại tình chung sống như vợ chồng với nhau) để trình báo hành vi ngoại tình và yêu cầu xử phạt.

Bên cạnh đó, kể từ ngày 1/1/2018, bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực, theo quy định tại điều 182 bộ luật này, không phải người nào ngoại tình cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thuộc các trường hợp quy định tại Điều 182.
Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Như vậy, không phải cứ đi ngoại tình rồi dẫn đến ly hôn là sẽ bị phạt tù. Chỉ phạt tù những người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc ngược lại, có hành vi “kết hôn” hoặc “chung sống như vợ chồng” với người khác và những hành vi này đã gây ra một trong các hậu quả quy định tại Điều 182 mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Giải quyết ngoại tình.
Hậu quả của việc ngoại tình là vô cùng lớn, nó ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của các thành viên trong gia đình, tạo ra tâm lý nặng nề của cả hai vợ chồng, trực tiếp tác động đến quá trình phát triển và trưởng thành của mỗi đứa con.
Hiện nay, người dân thường có cách giải quyết thông thường là đe dọa, hành hung, đánh ghen...Tuy vậy, nhưng hành vi đó chỉ để thỏa mãn sự bức xúc dồn nén chứ không thể giải quyết được vấn đề. Ngoài ra, đánh ghen còn có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí đủ cấu thành hành vi phạm tội.
Ngoài ra, cũng có một số người chọn cách giải quyết bằng con đường pháp lý, tuy vậy, đây cũng là một điều đáng tiếc. Bởi khi đưa ra pháp luật sẽ làm cho nhiều người biết đến và bàn luận, đứng dưới góc độ của những người con, khi bố mẹ đưa nhau ra tòa, hoặc thậm chí một trong hai người phải chịu án phạt tù vì hành vi ngoại tình, chắc chắn sẽ gây ra một vết thương tâm lý không nhỏ trong quá trình hình thành và phát triển. Tuy nhiên, nếu một người nào đó lựa chọn phương án đưa vụ việc ra pháp luật, thì họ cũng không đáng trách, chắc hẳn phải có những nguyên nhân và lý do chính đáng
Mặc dù chọn con đường pháp lý để giải quyết ngoại tình là một cách văn minh hơn là đánh ghen, nhưng những cặp vợ chồng đã có con cái thì nên đặt con cái lên hàng đầu. Hòa giải, giải quyết mọi việc một cách êm đẹp và lặng lẽ là cách tốt nhất để không làm ảnh hưởng đến con cái. Còn không, bất đắc dĩ không còn cách nào khác thì mới nên nghĩ đến cách đưa vụ việc ngoại tình ra pháp luật, lúc đó những căn cứ pháp lý trên sẽ giúp ích phần nào.


Luật gia Nguyễn Hồng Quân - Tổ Tư vấn trực tuyến Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.

Khuyến nghị
  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail:info@luatviet.net.vn,info@everest.net.vn.