Nghĩa vụ trả lương trong thời gian "chờ" việc

Ngoại trừ việc bản thân người lao động mắc lỗi dẫn đến việc bị ngừng việc, trong mọi trường hợp khác, người sử dụng lao động đều có nghĩa vụ thanh toán tiền lương cho người lao động.

Khoảng thời gian người lao động tuy chưa chấm dứt hợp đồng nhưng được người sử dụng cho nghỉ để chờ có công việc. Đã có rất nhiều người lao động đương nhiên cho rằng bản thân sẽ không được hưởng bất kì lợi ích nào do không hề đi làm. Tuy nhiên, đó là một nhận định sai lầm và gây phương hại đến chính lợi ích của người lao động.
Bài tư vấn pháp luật được thực hiện bởi: Luật gia Nguyễn Văn Hoàng – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


Theo Điều 98 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương:

"1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương;
2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định".

Từ đó, ta thấy rằng ngoại trừ việc bản thân người lao động mắc lỗi dẫn đến việc bị ngừng việc, trong mọi trường hợp khác, người sử dụng lao động đều có nghĩa vụ thanh toán tiền lương cho người lao động, trong đó: Nếu việc ngừng việc là do lỗi chủ quan của người sử dụng lao động (cho nghỉ mà không có lí do chính đáng), thì dù người lao động không hề đến công ty và đóng góp sức lao động của mình nhưng vẫn sẽ được trả lương đầy đủ. Tuy nhiên, nếu việc cho nghỉ ở đây là bắt buộc do yếu tố khách quan (thiên tai, suy thoái kinh tế) thì nghĩa vụ trả lương vẫn phải được thực hiện nhưng do các bên thỏa thuận và không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Đối chiếu sang quy định về mức lương tối thiểu vùng tại Điều 3, Nghị định số 141/2017/ NĐ- CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động như sau:

“- Mức 3.980.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
- Mức 3.530.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
- Mức 3.090.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
- Mức 2.760.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV”

Như vậy, trong mọi trường hợp thực hiện nghĩa vụ trả lương đối với người lao động khi tạm ngừng việc, số tiền lương không được thấp hơn 2.760.000 đồng/tháng. Đây là vấn đề người lao động cần lưu ý, tránh trường hợp bị xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của bản thân, đặc biệt là với người lao động tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.