Giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về nhãn hiệu nổi tiếng

Những quy định về xác định, công nhận nhãn hiệu nổi tiểng của Việt Nam tương đối đầy đủ và phù hợp. Tuy nhiên, sự cố gắng mới chỉ dừng lại ở hình thức, mà nội dung triển khai vẫn chưa đi vào thực tiễn có hiệu quả.

Nhãn hiệu nổi tiếng giữ một vai trò quan trọng trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp. Thuật ngữ “nhãn hiệu nổi tiếng” được ghi nhận tại các văn bản pháp lý và thực tiễn sử dụng. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có nhãn hiệu nào được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng. Một trong những lý do dẫn đến điều này là do những quy định pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành về nhãn hiệu nổi tiếng còn mang tính học thuật, hàn lâm mà chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn. Dưới đây là một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật để nhãn hiệu nổi tiếng được ghi nhận và bảo hộ trên thực tiễn cũng như pháp lý.
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Một là sửa đổi lại quy định tại khoản 20, Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ về định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng

Theo quy định tại khoản 20, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, một nhãn hiệu sẽ được coi là nổi tiếng, nếu nhãn hiệu đó “được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”. Nhưng trên thực tế có nhiều nhãn hiệu có phạm vi sử dụng khá hạn chế trong một nhóm người tiêu dùng nhất định như các nhãn hiệu về dược phẩm, thiết bị văn phòng, thiết bị công nghiệp đặc thù... Do đó, sẽ hợp lý hơn nếu trong trường hợp này, việc đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng hay không, được thực hiện trong phạm vi những người tiêu dùng nhất định có liên quan, hay gắn bó trực tiếp với quá trình phân phối hay sử dụng sản phẩm mang nhãn hiệu, mà không mở rộng phạm vi toàn thể nhóm khác không liên quan.

Pháp luật cần làm rõ về nội hàm của việc “biết đến” như thế nào thì nhãn hiệu đó trở nên nổi tiếng. Theo chúng tôi cần có sự quy định về việc “biết đến” và việc “biết đến” đó phải là sự biết đến thực tiễn trong quá trình tiếp cận và sử dụng sản phẩm hay dịch vụ. Như vậy, Khoản 20 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ sẽ sửa đổi thành: “NHNT là nhãn hiệu được biết đến rộng rãi bởi bộ phận người tiêu dùng liên quan trong quá trình kinh doanh sản phẩm/dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam”.

Hai là hoàn thiện hệ thống xác định các tiêu chí nhãn hiệu nổi tiếng

Theo đó, pháp luật cần sắp xếp lại cấu trúc của các tiêu chí, đưa ra những sự hướng dẫn và giải thích cụ thể, chi tiết hơn về nội dung của từng tiêu chí, cũng như cách thức, và nguyên tắc áp dụng các tiêu chí, cụ thể như:

Thứ nhất, cần sắp xếp lại các tiêu chí theo Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ một cách hợp lý hơn. Cấu trúc sắp xếp đó có thể theo trật tự: Tiêu chí nào quan trọng, bắt buộc thì đưa lên hàng đầu, nhóm các tiêu chí mang tính bổ trợ, ít quan trọng để xác định NHNT thì đưa phía dưới. Ngoài ra theo chúng tôi, Khoản 1 Điều 75 cần tách thành 2 tiêu chí: Tiêu chí về “doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu”, và tiêu chí về “số lượng hàng hóa đã bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp”.

Pháp luật cũng cần sắp xếp, thay đổi, bổ sung các yếu tố xác định NHNT theo quy định tại Mục 5, Điều 42 về “ghi nhận nhãn hiệu nổi tiếng” của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 hướng dẫn Nghị định số 103/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ. Sự sắp xếp các yếu tố này theo hướng phải phù hợp, logic với trật tự sắp xếp theo Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Thứ hai, pháp luật cần làm rõ nội dung từng tiêu chí và xây dựng nguyên tắc áp dụng của từng tiêu chí xác định NHNT, xem xét nó trong mối liên hệ tổng thể với hệ thống các tiêu chí xác định NHNT.

Ba là nhanh chóng xây dựng điều kiện cần thiết cho việc lập danh mục nhãn hiệu nổi tiếng

Đây không phải là đề xuất mới vì trong Thông tư số 01 của Chính phủ quy định rất rõ việc hình thành một Danh mục NHNT. Tuy nhiên hiện nay Danh mục đó chưa hình thành vì các cơ quan quản lý nhà nước chưa triển khai được với nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo chúng tôi, để Danh mục về NHNT có thể hình thành trên thực tế, Thông tư số 01 cần bổ sung thêm về việc giao cho cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xây dựng một “Quy chế về việc công nhận NHNT”. Cơ quan đó có thể là Cục SHTT xây dựng nên “Quy chế về việc công nhận NHNT”. Trên cơ sở đó, Quy chế được hình thành nhằm mục đích hướng dẫn thực hiện các trình tự, thủ tục về công nhận NHNT, nội dung và nguyên tắc áp dụng của các tiêu chí xác định NHNT và một số yêu cầu với việc công nhận NHNT...

Bốn là các giải pháp về nâng cao hiệu quả hoạt động công nhận nhãn hiệu nổi tiếng

Nhà nước cần triển khai xây dựng và công bố danh mục NHNT, cần đầu tư thỏa đáng cho việc phát triển mạng lưới thông tin, nâng cao năng lực của Cục Sở hữu trí tuệ trong việc đánh giá các tiêu chí để xác định và công nhận NHNT. Ngoài ra cần nâng cao năng lực của Tòa án trong việc đánh giá các tiêu chí để xác định và công nhận NHNT, nâng cao năng lực của cán bộ và các cơ quan bổ trợ tư pháp, nâng cao ý thức pháp luật và trình độ dân trí của cộng đồng trong việc bảo vệ NHNT.

Tóm lại cho đến nay, những quy định về xác định, công nhận NHNT của Việt Nam nhìn chung là tương đối đầy đủ và phù hợp với các vấn đề liên quan đến yêu cầu bảo hộ của thế giới. Tuy nhiên, sự cố gắng mới chỉ dừng lại ở hình thức, mà nội dung triển khai vẫn chưa đi vào thực tiễn có hiệu quả. Hệ thống pháp luật về xác định, công nhận NHNT của chúng ta còn thiếu những quy định, hướng dẫn cụ thể về nội dung và cách thức áp dụng trong việc xác định các tiêu chí NHNT. Cơ chế thực thi việc xác định và công nhận NHNT của Việt Nam hoạt động chưa đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp... Do vậy, việc nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện cả hệ thống pháp luật và cơ chế thực thi pháp luật về xác định, công nhận NHNT là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế là tất yếu khách quan, cũng là do sức ép của các nền kinh tế khác mà chúng ta không thể đứng ngoài cuộc.

Luật gia Bùi Thị Phượng - Phòng Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: info@luatviet.net.vn, info@everest.net.vn.