Giai đoạn chuẩn bị đầu tư – những điểm cần lưu ý

Trước khi quyết định đầu tư vào một dự án, nhà đầu tư cần nghiên cứu một cách cẩn trọng và kỹ càng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Để biến ý tưởng đầu tư thành một dự án đầu tư hoàn chỉnh, nhà đầu tư phải trải qua giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Trong đó, nhà đầu tư cần thực hiện các công việc sau: đánh giá cơ hội đầu tư và môi trường đầu tư, lựa chọn hình thức đầu tư và địa bàn đầu tư, nhận diện quy chế pháp lý của dự án đầu tư, soạn thảo hồ sơ dự án đầu tư.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

1. Đánh giá cơ hội đầu tư và môi trường đầu tư

Mục đích của bước này là xác định nhu cầu của thị trường về đầu tư, triển vọng phát triển dự án và chấm điểm chất lượng của môi trường đầu tư. Một thị trường có nhu cầu nhận vốn đầu tư nhưng không có sẵn các điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án đầu tư thì môi trường đó chưa hẳn là sự lựa chọn tốt cho nhà đầu tư.
Các căn cứ để đánh giá cơ hội đầu tư bao gồm:
- Nghiên cứu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, vùng, lãnh thổ để tính toán định hướng đầu tư;
- Nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới, đánh giá khả năng thâm nhâp thị trường của sản phẩm, dich vụ là kết quả của dự án đầu tư;
- Thực trạng phát triển của hoạt động đầu tư trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực dự định đầu tư nói riêng.
Để đánh giá chất lượng môi trường đầu tư, nhà đầu tư có thể dựa các tiêu chí sau:
- Nghiên cứu các chính sách về chính trị, kinh tế, pháp luật có ảnh hưởng đến quá trình thực hiện thủ tục đầu tư và triển khai thực hiện dự án đầu tư. Trong đó cần đặc biệt quan tâm tới chính sách, hệ thống văn bản pháp luật về đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư tìm hiểu và đánh giá sơ bộ về chính sách ưu đãi, hỗ trợ và bảo đảm đầu tư
- Tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên: vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; các nguồn tài nguyên, khoáng sản có thể khai thác để tiến hành các hoạt động đầu tư;
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế: tổng thu nhập quốc dân, mức thu nhập bình quân đầu người (GDP) qua các năm; sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế; biểu đồ về mức tăng trưởng của các ngành công nghiệp và dịch vụ mũi nhọn;
- Chính sách tài chính: Chính sách thuế; chính sách tiền tệ và tín dụng của Ngân hàng nhà nước, mức độ chuyển đổi tự do của đồng tiền; hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng; sự phát triển của thị trường chứng khoán...
Sau khi đánh giá tổng quan cơ hội và môi trường đầu tư, nhà đầu tư phần nào tính toán được hiệu quả sẽ đạt được khi đầu tư.Vì thế, kết thúc bước này, nhà đầu tư cần dứt khoát đưa ra quyết định có nên thực hiện ý định đầu tư hay không.

2. Lựa chọn hình thức đầu tư và địa bàn đầu tư
Qua quá trình tìm hiểu về môi trường và cơ hội đầu tư, nhà đầu tư đã có cơ sở để nhận định ý định đầu tư có khả năng thực hiện được hay không. Việc cần làm tiếp theo là lựa chọn hình thức đầu tư và địa bàn đầu tư.

a. Hình thức đầu tư
Căn cứ vào năng lực tài chính và nhu cầu đầu tư, nhà đầu tư tiến hành lựa chọn các hình thức đầu tư theo luật định. Tại Luật Đầu tư năm 2014, các hình thức đầu tư khá đa dạng, bao gồm:
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế;
- Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;
- Đầu tư theo họp đồng đối tác công tư ( PPP);
- Đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC).
Mỗi hình thức đầu tư đều tồn tại những ưu và nhược điểm nhất định do đó, nhà đầu tư căn cứ vào quy mô vốn, năng lực quản lý và nhu cầu hợp tác đầu tư để quyết định lựa chọn hình thức phù hợp. Chẳng hạn, nếu nhà đầu mong muốn có quyền quản lý và điều hành dự án thì hình thức “đầu tư thành lập tổ chức kinh tế “là sự lựa chọn phù hợp. Nếu nhà đầu tư chỉ muốn đầu tư ngắn hạn, thu hồi vốn nhanh thì có thể lựa chọn hình thức đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần phần vốn góp vào các tổ chức kinh tế.

b. Địa bàn đầu tư
Đây là một nội dung không thể thiếu trong dư án đầu tư. Bởi dự án đầu tư luôn được xác định cụ thể về mặt vị trí địa lý. Khi lựa chọn địa bàn đầu tư, nhà đầu tư cần đánh giá các yếu tố sau:
- Chính sách pháp luật đang quy định ưu đãi đầu tư vào vùng miền, địa điểm nào. Nhà đầu tư nên tận dụng những chính sách ưu đãi của Nhà nước để làm cơ hội phát triển cho dự án đầu tư.
- Địa điểm được chọn nên ưu tiên nơi đã có cơ sở hạ tầng thuận lợi bao gồm hệ thống điện nước, giao thông vận tải, thông tin liên lạc.
- Nguồn nguyên vật liệu: đây sẽ là tiêu chí quan trọng đối với dự án đầu tư cần sử dụng khối lượng nguyên liệu lớn như chế biến gỗ, xi măng, luyện kim hoặc khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng.
- Nguồn nhân lực: bao gồm cả trình độ người lao động và chi phí nhân công tại vùng, miền đó. Đối với một số dự án thì trình độ của nguồn nhân lực là điều kiện then chốt để quyết định sự thành công như dự án nghiên cứu khoa học công nghệ, dự án tìm kiếm công nghệ mới...
Như vậy, quyết định về địa bàn ưu đãi là một một quyết định có tính chiến lược. Sự ổn định trong hoạt động, tiện lợi trong giao dịch, biến phí của kết quả dự án hoàn toàn chịu tác động của yếu tố địa bàn.

3. Nhận diện quy chế pháp lý của dự án đầu tư
Sau khi hoàn tất các công việc nghiên cứu thị trường, lựa chọn địa bàn, nhà đầu tư thông qua các kênh (tự tìm hiểu, tư vấn pháp lý) xác định dự án đầu tư của họ cần phải thực hiện loại thủ tục đầu tư nào: cấp quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc dự án đầu tư không phải thực hiện thủ tục. Việc nhận diện thủ tục dành cho dự án sẽ quyết định đến công tác lập hồ sơ dự án đầu tư

4. Lập hồ sơ dự án đầu tư
Việc lập hồ sơ dự án đầu tư là bước quan trọng trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Đối với mỗi dự án có thủ tục đầu tư khác nhau thì nội dung của hồ sơ dự án cũng khác biệt. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đều phải chuẩn bị những văn kiện cơ bản sau: các giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý, đề xuất dự án đầu tư, báo cáo tài chính của nhà đầu tư và đề xuất nhu cầu sử dụng đất. Các văn kiện này thể hiện đầy đủ các khía cạnh về tư cách chủ thể đầu tư, tài chính, kỹ thuật và tính khả thi của dự án đầu tư. Sau đó, các văn bản này sẽ được gửi tới cơ quan có thẩm quyền để xem xét và đánh giá.
Với khối lượng lớn các văn kiện cần chuẩn bị, hồ sơ dự án đầu tư thực sự là một công trình công phu. Người lập hồ sơ dự án phải có trình độ chuyên môn vững vàng, do đó trong thực tế, các nhà đầu tư thường cần đến sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn. Vì vậy, chi phí để khảo sát, lập các văn kiện khá cao. Theo một hiên cứu của Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) thì chi phí lập báo cáo thường chiếm 5% kinh phí dự án, có khi lên tới 15 - 20% đối với các dự án đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp.

Luật gia Lưu Thị Phượng - Phòng cấp phép và đầu tư Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: info@luatviet.net.vn, info@everest.net.vn.