Điều kiện, trình tự thực hiện đăng ký lại kết hôn

Thực tế không thiếu trường hợp do không cẩn thận mà vợ, chồng làm mất đăng ký kết hôn bản chính. Khi đó, vợ chồng có phải đăng ký lại kết hôn hay chỉ cần xin xác nhận hoặc bản sao giấy đăng ký kết hôn?

Khi nào được đăng ký lại việc kết hôn?

Quy định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn được Chính phủ nêu chi tiết tại khoản 3 Điều 18 Nghị định 123/2015/NĐ-CP: "Mỗi bên vợ, chồng được cấp 01 bản chính giấy chứng nhận kết hôn".

Như vậy, khi đăng ký kết hôn, vợ, chồng được cấp 02 bản chính Giấy đăng ký kết hôn cho mỗi người 01 bản. Tuy nhiên, để được đăng ký lại kết hôn thì Điều 24 Nghị định 123 này nêu rõ: "Việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01/01/2016 nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại".

Đồng thời, việc đăng ký kết hôn lại chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ.

Từ những quy định trên, có thể thấy điều kiện để được đăng ký lại kết hôn gồm:

(i) Đã kết hôn trước ngày 01/01/2016 nhưng sổ hộ tịch và bản chính đăng ký kết hôn đều bị mất;

(ii) Người yêu cầu đăng ký lại kết hôn còn sống tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ.

Ngoài ra, theo Điều 13 Luật Hôn nhân và Gia đình, khi đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền thì giấy chứng nhận kết hôn sẽ bị thu hồi và hủy bỏ. Trong trường hợp này, hai bên phải thực hiện lại việc đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Khi đó, nam, nữ đăng ký kết hôn lại theo đúng thủ tục đăng ký kết hôn hiện hành. Và trong phạm vi bài viết này chỉ nêu trường hợp đăng ký lại kết hôn khi mất bản chính giấy kết hôn và dữ liệu trong sổ hộ tịch không còn.
Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198
Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

Đăng ký kết hôn lại tại cơ quan nào?

Để đăng ký lại kết hôn, vợ chồng phải nộp hồ sơ đến đúng cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, căn cứ Điều 7 Luật Hộ tịch, Điều 25 và Điều 41 của Nghị định 123/2015, có 02 trường hợp xảy ra:

Với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước tại:Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã trước đây đã đăng ký kết hôn;UBND cấp xã nơi người yêu cầu thường trú, thực hiện đăng ký lại khai sinh.

Đăng ký lại kết hôn có yếu tố nước ngoài tại:UBND cấp huyện - nơi đã đăng ký kết hôn trước đây thực hiện đăng ký lại kết hôn;Trước đây kết hôn tại UBND cấp xã thì hiện nay đăng ký lại kết hôn do UBND cấp huyện thực hiện;Trước đây thực hiện tại UBND cấp tỉnh hoặc Sở Tư pháp thì đăng ký lại kết hôn do UBND cấp huyện nơi cư trú của người yêu cầu thực hiện. Nếu người này không cư trú ở Việt Nam thì do UBND cấp huyện nơi trụ sở hiện nay của Sở Tư pháp thực hiện.

Thủ tục các bước đăng ký lại kết hôn mới nhất

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo Điêu 27 Nghị định 123/2015, hồ sơ đăng ký lại kết hôn gồm:

(i) Tờ khai theo mẫu ban hành tại Thông tư 04/2020;

(ii) Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp trước đây (Nếu không có bản sao Giấy này thì nộp bản sao hồ sơ, giấy tờ cá nhân có các thông tin liên quan đến nội dung đăng ký kết hôn)

Lưu ý: Số lượng hồ sơ 01 bộ.

Bước 2: Nộp hồ sơtrực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền nêu trên.

Bước 3: Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu hồ sơ căn cứ Điều 3 Nghị định 123, khi nhận được hồ sơ của người yêu cầu về việc đăng ký lại kết hôn, người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ để đối chiếu thông tin trên Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ nộp, xuất trình:

(i) Hồ sơ đầy đủ, hợp lệ: Viết giấy tiếp nhận ghi rõ ngày, giờ trả kết quả;

(ii) Hồ sơ chưa đầy đủ: Hướng dẫn người yêu cầu bổ sung, hoàn thiện.

Lưu ý:Nếu nộp bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính: Người tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu xuất trình bản chính;Nếu chỉ nộp bản chụp và xuất trình bản chính: Người tiếp nhận đối chiếu và ký vào bản chụp xác nhận đã đối chiếu nội dung giấy tờ.

Bước 4: Giải quyết hồ sơ trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra, xác minh hồ sơ. Thời gian gửi văn bản yêu cầu xác minh và trả lời kết quả xác minh không tính vào thời hạn giải quyết.

Nếu thấy hồ sơ đăng ký lại kết hôn là đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện đăng ký lại kết hôn theo trình tự sau đây:

(i) Ghi việc kết hôn vào sổ hộ tịch.

(ii) Hai bên nam, nữ ký tên vào sổ hộ tịch, sổ đăng ký kết hôn và giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

(iii) Cán bộ tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã hoặc cấp huyện để trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho hai vợ, chồng.

Nếu phải xác minh do không cùng thực hiện đăng ký lại tại nơi đã đăng ký trước đây thì việc xác minh do UBND cấp xã trước đây đăng ký kết hôn tiến hành trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.

Đồng thời, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả xác minh về việc không còn lưu giữ sổ hộ tịch tại nơi đã đăng ký, nếu hồ sơ hợp lệ, đầy đủ, chính xác thì thực hiện đăng ký lại kết hôn cho nam, nữ.

Bước 5: Nộp lệ phí theo Điều 11 Luật Hộ tịch, lệ phí đăng ký kết hôn của công dân Việt Nam cư trú trong nước sẽ được miễn. Còn các trường hợp khác sẽ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định (theo Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC).

Có được ủy quyền đi đăng ký lại kết hôn không?

Nam nữ không được ủy quyền đăng ký kết hôn cho người thứ ba mà bắt buộc phải tự mình trực tiếp nộp và thực hiện bởi theo Điều 18 Luật Hộ tịch, khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải cùng có mặt.

Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 123, người yêu cầu đăng ký kết hôn, đăng ký lại kết hôn trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch.

Đồng thời, Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP cũng khẳng định:

Người yêu cầu đăng ký hộ tịch được ủy quyền cho người khác thực hiện thay; trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện, nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại.

Không chỉ vậy, cũng tại khoản 5 Điều 3 Thông tư 04 nêu trên:

Khi trả kết quả đăng ký kết hôn, đăng ký lại kết hôn, cả hai bên nam, nữ phải có mặt.

Căn cứ các quy định trên, khi đăng ký lại kết hôn, nam, nữ đủ điều kiện không được ủy quyền cho người khác mà phải tự mình trực tiếp thực hiện nhưng có thể để một trong hai người nộp trực tiếp hồ sơ cho cơ quan đăng ký mà không cần văn bản ủy quyền của bên còn lại.


Khi nào được coi là vợ chồng khi đăng ký kết hôn lại?

Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày ly hôn theo quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án (theo khoản 13 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014).

Theo đó, khoản 1 Điều 32 Thông tư 04/2020 khẳng định:Quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn

Riêng trường hợp đăng ký lại kết hôn thì ngày, tháng, năm xác lập quan hệ hôn nhân được ghi vào mặt sau của Giấy chứng nhận kết hôn:

(i) Nếu không xác định được ngày đăng ký kết hôn trước đây thì ghi ngày đầu tiên của tháng, năm đăng ký kết hôn.

(ii) Nếu không xác định được ngày, tháng thì ghi ngày 01/01 của năm đăng ký kết hôn trước đây.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:1900 6198, E-mail:info@everest.org.vn.