Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thương mại

Hợp đồng thương mại cũng như hợp đồng dân sự, được xác lập vào thời điểm giao kết khi hai bên đã đạt được ý chí chung thống nhất. Ý chí chung thống nhất đó chỉ được pháp luật công nhận và bảo vệ tại thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng.

Luật Thương mại không quy định cụ thể các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực. Vì vậy, khi xem xét hiệu lực của hợp đồng trong kinh doanh, thương mại, cần dựa trên các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự quy định trong Bộ luật dân sự.

Căn cứ pháp lý về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong kinh doanh, thương mại:

Bộ Luật Dân sự năm 2015;
Luật Thương mại năm 2005;
Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

Bài viết được thực hiện bởi Luật gia Nguyễn Đức Anh – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7):1900 6198

Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong kinh doanh, thương mại

Thứ nhất, điều kiện về chủ thể:

Các chủ thể tham gia hợp đồng kinh doanh, thương mại phải có năng lực chủ thể để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Khi tham gia hợp đồng kinh doanh, thương mại nhằm mục đích lợi nhuận, các chủ thể phải đáp ứng điều kiện có đăng ký kinh doanh phù hợp với nội dung hợp đồng. Trường hợp mua bán hàng hóa, dịch vụ có điều kiện kinh doanh, các chủ thể còn phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh đó theo quy định của pháp luật.
Đại diện hợp pháp của chủ thể hợp đồng có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Trường hợp khi giao kết hợp đồng kinh doanh, thương mại, người không có quyền đại diện giao kết, thực hiện hợp đồng, sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với bên hợp đồng được đại diện, trừ trường hợp được người đại diện hợp pháp của bên được đại diện chấp thuận.

Thứ hai, điều kiện về nội dung hợp đồng:

Việc quy định nguyên tắc giao kết hợp đồng nhằm đảm bảo sự thỏa thuận của các bên phù hợp với ý chí thực của họ, hướng đến những lợi ích chính đáng của các bên, đồng thời không xâm hại đến những lợi ích mà pháp luật cần bảo vệ. Theo đó:
(i) Mục đích và nội dung của hợp đồng kinh doanh, thương mại không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
(ii) Hàng hóa, dịch vụ là đối tượng của hợp đồng không bị cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tùy thuộc từng giai đoạn của nền kinh tế, xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước mà những hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh được pháp luật quy định một cách phù hợp.
(iii) Các bên tham gia hợp đồng hoàn toàn tự nguyện.

Thứ ba, điều kiện về hình thức hợp đồng:

Hợp đồng kinh doanh, thương mại được thể hiện bằng lời nói, bằng vàn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Trong trường hợp pháp luật có quy định giao dịch kinh doanh phải được thể hiện bằng hình thức văn bản hoặc phải được công chứng, chứng thực, đăng ký hay xin phép thì các bên phải tuân thủ quy định về hình thức khi ký kết hợp đồng.

Hợp đồng vô hiệu và xử lý hợp đồng vô hiệu

Trước hết, về hợp đồng vô hiệu:

Hợp đồng vô hiệu là hợp đồng không thỏa mãn đầy đủ các điều kiện có hiệu lực theo quy định của pháp luật. Có thể là do vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội; do giả tạo; do nhầm lẫn; do bị lừa dối, đe dọa; do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; do vi phạm quy định về hình thức.

Thứ hai, xử lý hợp đồng vô hiệu:

Tuy thuộc vào tính chất và mức độ của sự vô hiệu hợp đồng, hợp đồng vô hiệu có thể phân chia thành: Hợp đồng vô hiệu toàn bộ; hợp dồng vô hiệu từng phần; hợp dồng vô hiệu tuyệt đối; hợp dồng vô hiệu tương đối.
Hợp đồng vô hiệu không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên từ thời điểm giao kết. Các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu. Việc khôi phục lại tình trạng ban đầu được thực hiện theo quy định sau: Các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường cho bên kia.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:1900 6198, E-mail:info@everest.org.vn.