Chứng minh thiệt hại do vi phạm hợp đồng thương mại quốc tế

Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Thông thường, việc vi phạm hợp đồng của một bên sẽ dẫn đến thiệt hại cho bên bị vi phạm. Tuy nhiên trong thực tế, có nhiều trường hợp xảy ra việc vi phạm hợp đồng nhưng không gây ra thiệt hại.
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Ví dụ, đến ngày thỏa thuận giao hàng trong hợp đồng, bên bán chưa gom đủ hàng nên không chỉ giao được 2/3 số hàng theo thỏa thuận và hứa sẽ giao số hàng còn lại trong 2 ngày tới. Vì bên mua cũng chưa có nhu cầu sử dụng toàn bộ số hàng mà chỉ lấy nhiều để dự trữ nên bên mua đồng ý với thỏa thuận gia hạn của bên bán. Trong trường hợp này, bên bán đã vi phạm nghĩa vụ giao hàng, tuy nhiên việc vi phạm này không gây ra thiệt hại đối với bên bị vi phạm. Do đó, bên bán sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Như vậy, nếu có hành vi vi phạm hợp đồng nhưng không gây ra thiệt hại thì bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm. Nói cách khác, thiệt hại được coi là yếu tố tiền đề để quyết định có phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay không. Điều này được thừa nhận trong pháp luật của hầu hết tất cả các nước trên thế giới:

Điều 113 Luật hợp đồng Trung Quốc năm 1999 quy định: “trường hợp một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo hợp đồng, gây thiệt hại cho bên kia thì số tiền bồi thường thiệt hại phải trả tương ứng với tổn thất của bên kia do vi phạm…”.
Điều 1147 Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804 cũng cho rằng: “Người có nghĩa vụ sẽ phải bồi thường thiệt hại xảy ra do không thực hiện nghĩa vụ hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ…”.
Bộ luật Dân sự Đức năm 1896 quy định: nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ nhưng không gây ảnh hưởng đến bên kia thì người đó được miễn trừ trách nhiệm (Điều 275).

Bên cạnh đó, các văn bản quốc tế cũng đồng ý với nguyên tắc có thiệt hại mới có bồi thường. Điều này thể hiện qua các điều khoản sau:
Điều 74 Công ước Viên năm 1980 của Liên Hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG): “Mức bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng của một bên bao gồm giá trị tổn thất, kể cả khoản lợi nhuận bị bỏ lỡ, mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra…”.
Điều 7.4.2 Những nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế của UNIDROIT (PICC): “Bên bị vi phạm có quyền đòi bồi thường toàn bộ những thiệt hại mà mình đã phải chịu từ việc không thực hiện”.
Khoản 1 Điều 9:501 Những nguyên tắc luật hợp đồng châu Âu (PECL): “Bên bị vi phạm có quyền đòi bồi thường thiệt hại cho những tổn thất gây ra bởi bên không thực hiện mà việc không thực hiện không được cho miễn trừ theo Điều 8:108”.

Không nằm ngoài xu hướng chung, pháp luật Việt Nam cũng cho rằng thiệt hại xảy ra là yếu tố bắt buộc của trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi quy định căn cứ này tại khoản 2 Điều 303 Luật thương mại năm 2005.

Do bên bị vi phạm chỉ có thể được bồi thường khi có thiệt hại xảy ra nên việc chứng minh các thiệt hại là việc làm tất yếu. Bên bị vi phạm có trách nhiệm chứng minh một cách hợp lý và xác đáng rằng những tổn thất mình phải phải gánh chịu là hệ quả trực tiếp của sự vi phạm hợp đồng.

Trong các văn bản pháp luật quốc tế, nghĩa vụ chứng minh thiệt hại do vi phạm hợp đồng thường không được quy định rõ ràng. Nếu có quy định về trách nhiệm chứng minh thì cũng chỉ là quy định về nghĩa vụ chứng minh của bên vi phạm trong trường hợp bất khả kháng (Điều 79 CISG, Điều 7.1.7 PICC, và Điều 8: 108 PECL). Tuy nhiên, trong thực tế giải quyết tranh chấp, vấn đề này thường được ngầm hiểu là nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên bị vi phạm (1). Trong khi đó, Luật thương mại Việt Nam năm 2005 dành riêng Điều 304 để quy định về nghĩa vụ chứng minh thiệt hại. Theo đó, nghĩa vụ chứng minh thiệt hại do vi phạm hợp đồng thuộc về bên yêu cầu bồi thường thiệt hại. Để buộc bên vi phạm hợp đồng bồi thường thiệt hại thì bên yêu cầu bồi thường phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm hợp đồng. Nhìn chung, việc xác định và chứng minh khoản lợi mất hưởng thường là dự đoán (vì trong thực tế đã bỏ lỡ lợi nhuận này), nên việc xác định chính xác cũng rất khó khăn. Đặc biệt, thiệt hại tinh thần là những thiệt hại vô hình, trừu tượng nên rất khó tính toán và chứng minh.

Tóm lại, bên bị vi phạm muốn buộc bên vi phạm hợp đồng bồi thường thiệt hại thì trước hết phải có thiệt hại và phải chứng minh được mình có thiệt hại. Tuy nhiên, dù có thiệt hại phát sinh, nhưng không phải thiệt hại nào cũng được bồi thường, bên bị vi phạm chỉ được bồi thường (và bên vi phạm chỉ có nghĩa vụ bồi thường) những khoản thiệt hại trong phạm vi do pháp luật quy định. Vì thế, các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế cần cân nhắc xem thiệt hại của mình có nằm trong phạm vi được bồi thường theo pháp luật điều chỉnh hợp đồng thương mại quốc tế đã ký kết hay không, trước khi đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại.

(1) Corinna Buschtöns, “Damages under CISG”, 2005, p. 51.

Chuyên viên Lưu Thị Phượng - Phòng cấp phép và đầu tư Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: info@luatviet.net.vn, info@everest.net.vn.