Biện pháp bảo đảm đầu tư

Bảo đảm đầu tư là những biện pháp được quy định trong các văn bản pháp luật nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư.

Bảo đảm đầu tư là một trong những chế định đầu tiên của pháp Luật Đầu tư. Mặc dù pháp Luật Đầu tư có sự thay đổi qua các thời kỳ nhưng biện pháp bảo đảm đầu tư vẫn luôn được ghi nhận và ngày càng hoàn thiện. Trong Luật Đầu tư năm 2014, Nhà nước đưa ra hàng loạt các cam kết bảo đảm quyền lơị chính đáng của mọi nhà đầu tư, không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài. Điều này thể hiện những cố gắng của Nhà nước trong việc hoàn thiện pháp luật đầu tư để tạo ra một môi trường đầu tư an toàn và đáng tin cậy trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước.

Bài tư vấn pháp luật Doanh nghiệp được thực hiện bởi: Luật gia Nguyễn Văn Hoàng – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Đối tượng áp dụng

Chính sách bảo đảm đầu tư áp dụng cho mọi nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Nhà đầu tư được tự động hưởng các biện pháp bảo đảm mà không cần phải thực hiện bất kỳ thủ tục pháp lý nào. Có thể nói, bảo đảm đầu tư là những lời cam kết, lời hứa không cần điều kiện của Nhà nước về việc bảo đảm các quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam trong suốt quá trình thực hiện hoạt động đầu tư.

Cơ sở pháp lý

Chính sách bảo đảm đầu tư được ghi nhận trong Luật Đầu tư năm 2014 từ Điều 9 đển Điều 14. Việc pháp điển hóa các biện pháp bảo đảm trong một đạo luật thể hiện sự minh bạch, công khai trong các cam kết bảo vệ của Nhà nước với nhà đầu tư. Qua đó, chất lượng của môi trường đầu tư được nâng cao và tăng khả năng thu hút vốn đàu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Các biện pháp bảo đảm đầu tư

Các biện pháp bảo đảm đầu tư là tập hợp các cam kết sau:

a. Nhà nước cam kết bảo đảm quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư
Đây là cam kết đặc biệt quan trọng đối với nhà đầu tư nước ngoài vì điều đầu tiên họ quan tâm là sự an toàn của tài sản khi đem đến Việt Nam. Để tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư, Nhà nước cam kết tài sản hơp pháp của họ không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Nhà nước chỉ trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, trong tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai và nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

b. Nhà nước cam kết bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh
Theo lý thuyết kinh tế, Nhà nước không thể bảo đảm rằng nhà đầu tư sẽ đạt được lợi nhuận mong muốn vì kết quả đầu tư phụ thuộc vào nhiều yểu tố. Nhưng Nhà nước có thể cam kết tạo ra một môi trường kinh doanh tự do và bình đẳng để làm chất xúc tác mạnh nhất cho hoạt động đầu tư được hiệu quả. Để tạo ra môi trường đầu tư thực sự tự do, Nhà nước không bắt buộc nhà đầu tư phải thực hiện những yêu cầu sau đây:
- Ưu tiên mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước hoặc phải mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ nhà sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ trong nước; xuất khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ đạt một tỷ lệ nhất định;
- Hạn chế số lượng, giá trị, loại hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu hoặc sản xuất, cung ứng trong nước;
- Nhập khẩu hàng hóa với số lượng và giá trị tương ứng với số lượng và giá trị hàng hóa xuất khẩu hoặc phải tự cân đối ngoại tệ từ nguồn xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu;
- Đạt được tỷ lệ nội địa hóa đối với hàng hóa sản xuất trong nước;
- Đạt được một mức độ hoặc giá trị nhất định trong hoạt động nghiên cứu và phát triển ở trong nước;
- Cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại một địa điểm cụ thể ở trong nước hoặc nước ngoài;
- Đặt trụ sở chính tại địa điểm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

c. Nhà nước bảo đảm chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài
Luật Đầu tư năm 2014 đã giữ nguyên tinh thần của các văn bản pháp luật đầu tư cũ, tiếp tục công nhận quyền chuyển tài sản ra nước ngoài của nhà đầu tư nước ngoài.
Thời điểm hợp pháp để chuyển tài sản là sau khi nhà đầu tư thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam.
Tài sản được chuyển ra nước ngoài bao gồm: vốn đầu tư các khoản thanh lý đầu tư; thu nhập từ hoạt động đầu tư kinh doanh; tiền và tài sản khác thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư.
Ngoài ra Nhà nước ta đã hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài một cách tối đa khi cho phép nhà đầu tư nước ngoài không phải đóng thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài khi chuyển tài sản ra khởi lãnh thổ Việt Nam .

d. Nhà nước bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật
Nhà nước cam kết bảo đảm tối đa quyền lợi của nhà đầu tư khi thay đổi pháp luật. Cụ thể:
- Nếu sự thay đổi về pháp luật mang lại những ưu đãi nhiều hơn cho các nhà đầu tư thì các nhà đầu tư được hưởng những ưu đãi mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án;
- Nếu sự thay đổi về pháp luật làm giảm sút ưu đãi đầu tư thì nhà đầu tư được hưởng những ưu đãi mà trước đó họ đang được hưởng ho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án (xác định theo các ưu đãi quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư);
- Trong trường họp thay đổi pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khởe của công đồng, bảo vệ môi trường thì nhà đầu tư không được hưởng ưu đãi trước đó. Lúc này, Nhà nước đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư bằng một hoặc một sổ biện pháp sau: Khấu trừ thiệt hại thực tế của nhà đầu tư vào thu nhập chịu thuế; điều chỉnh mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư; hỗ trợ nhà đầu tư khắc phục thiệt hại.

đ. Bảo đảm về cơ chế giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh
Nguyên tắc của giải quyết tranh chấp trước hết là tôn trọng ý chí tự giải quyết của các bên. Nhà đầu tư có quyền lựa chọn một cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp với tính chất của tranh chấp và yêu cầu của các bên. Nhà nước chỉ tham gia giải quyết tranh chấp khi hai bên đã bế tắc và có yêu cầu đến các cơ quan tài phán. Theo đó, Luật Đầu tư năm 2014 căn cứ vào đặc điểm chủ đầu tư để dự liệu ra cơ quan thích hợp giải quyết tranh chấp. Xét dưới góc độ quản lý kinh tế, Việt Nam đã xây dựng cơ chể giải quyết tranh chấp linh hoạt, tôn trọng quyền tự định đoạt của các nhà đầu tư và phù hợp với thông lệ quốc tế.

e. Bảo lãnh của Chính phủ đối với một sổ dự án quan trọng
Biện pháp bảo đảm này lần đầu tiên được ghi nhận tại Luật Đầu tư năm 2014. Điểm đặc biệt của biện pháp này là phạm vi đối tượng áp dụng hẹp, chỉ dành cho một số chủ thể theo những điều kiện nhất định. Thủ tướng Chính phủ quyết định bảo lãnh nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc doanh nghiệp nhà nước tham gia thực hiện dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và những dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.