Bảo hộ độc quyền nhãn hiệu là "tên chung" được không?

Các nhãn hiệu đã từng được bảo hộ độc quyền ban đầu, nhưng chúng mất dần khả năng phân biệt do quá trình biến thành tên chung của sản phẩm hoặc dịch vụ tương ứng.

Khi một dấu hiệu được coi là "tên chung'' (là những từ ngữ trong kho từ điển thông dụng của ngôn ngữ các nước hoặc ngôn ngữ đã được quốc tế hoá) thì liệu có được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu hay không?

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198


Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với những dấu hiệu được coi là tên chung

Một quy định chung của luật sở hữu trí tuệ nước ngoài cũng như của Việt Nam là không chấp nhận bảo hộ là nhãn hiệu hoặc thành phần nhãn hiệu mang tính mô tả mà đặc biệt là các tên chung của sản phẩm hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu. Điều dễ dàng cho các chủ nhãn hiệu, các luật sư cũng như các thẩm định viên nhãn hiệu nếu thành phần tên chung đó nằm trong kho từ điển thông dụng của ngôn ngữ các nước hoặc ngôn ngữ đã được quốc tế hoá. Tuy nhiên, do sự phát triển không ngừng của kho ngôn ngữ thế giới trong tiến trình phát triển và ngày càng hiện đại hoá, số tên chung ngày càng được bổ sung thêm. Trong lĩnh vực nhãn hiệu nhiều tên gọi từng được sử dụng và bảo hộ là nhãn hiệu độc quyền nhưng do một số nguyên nhân ngày càng bị chung hoá và biến thành tên chung chỉ chính các sản phẩm hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu đó.

Vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước hãng UNILEVER đã nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu “Vaseline” cho các sản phẩm mỹ phẩm (nhóm 3) tại Việt Nam. Đơn trên bị cơ quan sở hữu trí tuệ Việt Nam từ chối cấp văn bằng với lý do “vaseline” được coi là tên chung của sản phẩm được dùng rộng rãi từ lâu tại Việt Nam chỉ loại dầu sáp dùng để bôi trơn da nên không đáp ứng tính phân biệt để được bảo hộ là nhãn hiệu. UNILEVER đã khiếu nại quyết định từ chối này bằng cách bổ sung các tài liệu chứng minh rằng nhãn hiệu trên đã được sử dụng từ năm 1872 và đã được bảo hộ tại nhiều nước trước khi nộp đơn đăng ký tại Việt Nam. Trong các từ điển Anh – Anh thông dụng như Longman có từ “Vaseline” được viết hoa và được chú thích là một nhãn hiệu độc quyền dùng cho mỹ phẩm. Tuy nhiên, cơ quan sở hữu trí tuệ Việt Nam tiếp tục bác bỏ khiếu nại trên của chủ đơn khi đưa thêm dẫn chứng là trong từ điển Anh - Việt xuất bản tại Việt Nam, từ “vaseline” được viết thường và có nghĩa là tên chung chỉ một loại dầu dùng để bôi trơn da, việc tên gọi này được bảo hộ ở nước ngoài không có nghĩa là sẽ phải được bảo hộ tại Việt Nam mà phải được xem xét theo thực tế của Việt Nam. Công ty UNILEVER vẫn tiếp tục theo đuổi khiếu nại trên cho đến tận ngày nay.

Những nhãn hiệu đã được bảo hộ độc quyền nhưng lại bị biến thành tên chung

Các trường hợp sau đây là các nhãn hiệu đã từng được bảo hộ ban đầu, nhưng chúng mất dần khả năng phân biệt do quá trình biến thành tên chung của sản phẩm hoặc dịch vụ tương ứng, nguyên nhân là do cả cách sử dụng từ phía người tiêu dùng lẫn các hành vi của đối thủ cạnh tranh. Một số trường hợp mất hiệu lực bảo hộ do phán quyết của tòa án, một số tuy còn hiệu lực ở một số nước nhưng lại bị toà tuyên là tên chung ở một số nước khác.

“Aspirin”: vẫn còn là nhãn hiệu cho thuốc của hãng Bayer ở khảng 80 nước bao gồm Canada và nhiều nước Châu Âu, nhưng bị coi là tên chung tại Hoa Kỳ và một số nước khác.

“Escalator”: khởi đầu là nhãn hiệu thang cuốn của Công ty Otis nhưng nay đã biến thành tên chung của sản phẩm này trên toàn thế giới.

“Heroin”: là nhãn hiệu của hãng Fridrick Bayer&Co từ 1898 nhưng bị huỷ bỏ tại một số quốc gia theo Hiệp ước Versailles năm 1919.

“Kerosene”: là tên chung chỉ dầu hoả hiện nay, nhưng thực tế từng được sử dụng là nhãn hiệu độc quyền từ giữa thế kỷ 19.

“Thermos”: có gốc là nhãn hiệu của Công ty Thermos GmbH (Đức) nhưng bị toà tuyên là tên chung tại Hoa Kỳ năm 1963. Nhiều nước trong đó có Việt Nam cũng coi là tên chung chỉ bình chân không đựng nước nóng lạnh.

“Videotape”: là nhãn hiệu ban đầu của Ampex Corporation nay trở thành tên chung chỉ băng ghi âm và ghi hình ở khắp mọi nơi.

Những nhãn hiệu vẫn được bảo hộ nhưng luôn bị sử dụng như là tên chung

Một số lớn nhãn hiệu tuy vẫn được bảo hộ nhưng bị người tiêu dùng sử dụng như các tên chung. Không giống với các trường hợp nêu ở phần trên, các nhãn hiệu này vẫn được công chúng biết đến rộng rãi là thương hiệu và không bị các đối thủ cạnh tranh sử dụng. Một số ví dụ tiêu biểu:

“Coke” là nhãn hiệu vẫn được bảo hộ của hãng Coca-Cola nhưng ở một số nước, ngay cả một số vùng của Mỹ và Anh được dùng chung chỉ các loại đồ uống nhẹ có chứa cola.

“Formica” là nhãn hiệu còn hiệu lực của công ty Formica Corporation nhưng lại được sử dụng rộng rãi để chỉ các loại gỗ hoặc nhựa có phủ lớp nhựa bóng. Nhãn hiệu này cũng bị từ chối đăng ký tại Việt Nam do bị coi là tên chung của sản phẩm gỗ phủ nhựa .

“Freon” được coi là tên chung chỉ các chất là tác nhân làm lạnh cho các thiết bị lạnh, tuy nhiên đây vẫn là nhãn hiệu độc quyền của hãng Dupont.

“Jeep” là nhãn hiệu được bảo hộ của hãng Chrysler tuy nhiên ở nhiều nước được dùng để chỉ các loại xe địa hình gọn nhẹ.

“Powerpoint”: ở Việt Nam và nhiều nước khác được sử dụng như tên chung chỉ thiết bị trình chiếu hình nhưng trong thực tế đây là nhãn hiệu được bảo hộ của hãng Microsoft dùng cho các chương trình chiếu các bài thuyết trình.

Các chủ nhãn hiệu thuộc các trường hợp nêu trên luôn nhận thấy nguy cơ các nhãn hiệu của mình bị chung hoá nên đã phải áp dụng các biện pháp để khuyến cáo các nhà phân phối và người tiêu dùng sử dụng nhãn hiệu đúng cách để chúng không bị dần biến hoá thành tên chung.

Luật gia Bùi Thị Phượng - Tổ tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại, mà chỉ sử dụng vì mục đích nghiên cứu khoa học, hoặc phổ biến kiến thức pháp luật;
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi đây có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: info@luatviet.net.vn, info@everest.net.vn.