Bảo hiểm xã hội tự nguyện có bao gồm chế độ thai sản?

Bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ bao gồm đối với chế độ tử tuất và chế độ hưu trí, người nộp bảo hiểm xã hội tự nguyện không được hưởng chế độ thai sản.

Hỏi: 1. Mức lương hàng tháng của em là 5.000.000đ, nếu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mỗi tháng em phải đóng là bao nhiêu phần trăm?
2. Em đang mang thai được 4 tháng, theo như em tìm hiểu nếu em tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng theo 6 tháng 1 lần thì phải đóng trong vòng 3 tháng đầu nghĩa là bây giờ em mới đóng thì tháng đầu tiên em tham gia bảo hiểm bắt đầu từ tháng 1 năm 2016 đến tháng 6 năm 2016 là đủ 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội vậy tháng 7 này em sinh con có được hưởng chế độ thai sản không? (Nguyễn Xuân - Bắc Ninh)
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198.
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198.

Luật gia Nguyễn Thị Nhung- Tổ tư vấn pháp luật lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

1. Mức đóng BHXH của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện:

Căn cứ quy định tại Điều 87 Luật BHXH 2014 quy đinh như sau:

“Điều 87. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

1. Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

2. Người lao động được chọn một trong các phương thức đóng sau đây:

a) Hằng tháng;
b) 03 tháng một lần;
c) 06 tháng một lần;
d) 12 tháng một lần;
đ) Một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định tại Điều này.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”

Như vậy, căn cứ quy định trên, hằng tháng chị sẽ phải đóng bằng 22% mức thu nhập tháng. Tức đóng 22% của 5.000.000 đồng.

2. Chế độ thai sản:

Căn cứ quy định tại Điều 4 Luật BHXH 2014 quy định như sau:

“Điều 4. Các chế độ bảo hiểm xã hội

1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
a) Ốm đau;
b) Thai sản;
c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Hưu trí;
đ) Tử tuất.

2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
a) Hưu trí;
b) Tử tuất.

3. Bảo hiểm hưu trí bổ sung do Chính phủ quy định.”

Như vậy, bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ bao gồm đối với chế độ tử tuất và chế độ hưu trí.

Do đó, chị không thể được hưởng chế độ thai sản khi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm